Bất hợp lý trong mức lương cho giáo viên và y, bác sĩ

Nhằm ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri đang làm việc trong ngành giáo dục và y tế, sáng 17/10, đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức buổi tiếp xúc với đại diện các thầy cô giáo, cùng các y, bác sĩ trên địa bàn TP. Vấn đề tiền lương là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến. Ghi nhận của PV THQHVN.

Theo đại diện các trường học, việc tăng lương cơ bản từ ngày 1/7/2023 chỉ là sự động viên tinh thần, bởi thực tế số tiền tăng đó không theo kịp đà tăng của hàng hoá. Đặc biệt, tình trạng trả lương mang tính “cào bằng”, chưa phù hợp với mức độ cống hiến, phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác đã khiến nhiều giáo viên bỏ việc, ra làm việc cho khu vực ngoài nhà nước.

Không chỉ trường học, sự bất hợp lý trong mức lương cho đội ngũ cán bộ, y tế cũng là nguyên nhân khiến tình trạng nghỉ việc ở khối này gia tăng. Theo đại biểu, y tế là ngành có tính đặc thù, thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành nghề khác. Sau khi ra trường, phải học thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề cơ bản. Sau đó, khi tới các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phải học thêm các chuyên ngành. Do đó, việc áp dụng mức lương khởi điểm cho ngành y tế với các ngành nghề khác là không hợp lý.

Những đề xuất, kiến nghị này sẽ được đoàn ĐHQB TPHCM tổng hợp, nghiên cứu để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Vân -

Tăng Sắc