Bảo tồn để văn minh Sa Huỳnh sống mãi

Di tích khảo cổ học Văn hoá Sa Huỳnh ở thị xã Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi vừa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Điều này khẳng định tầm vóc của Văn hoá Sa Huỳnh - một trong 3 nền văn minh lớn của Việt Nam - cùng với văn hóa Đông Sơn và Óc Eo, đồng thời đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của văn hoá Sa Huỳnh trong tương lai.

Di tích khảo cổ học Văn hoá Sa Huỳnh ở thị xã Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi được coi là tâm điểm của nền văn minh Sa Huỳnh xưa. Trên triền cát này, vào những năm 1909, các chuyên gia khảo cổ người Pháp đã tìm thấy những dấu vết đầu tiên của người Sa Huỳnh cư trú thông qua việc đã tìm thấy hàng trăm mộ chum - một tục táng riêng của người Sa Huỳnh - cách đây khoảng 2.000 năm đến 3.000 năm. Các đợt thăm dò sau đó đã tìm thấy nhiều di vật giúp giải mã khá tường tận về người Sa Huỳnh xưa ở miền Trung Việt Nam.

Sau buổi tham vấn “Vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hoá – sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ và đánh giá tác động dự án nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê” do địa phương này tổ chức, các chuyên gia khảo cổ, các nhà nghiên cứu văn hoá đều không tán đồng việc xây dựng nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thống nhất giữ nguyên trạng đầm An Khê để bảo tồn giá trị Văn hoá Sa Huỳnh.

Văn hoá Sa Huỳnh trở thành di tích Quốc gia đặc biệt không chỉ tạo cơ hội cho phát triển du lịch mà còn là cơ hội để giới thiệu nền văn minh Sa Huỳnh rộng ra thế giới.

113 năm kể từ khi phát hiện nền văn minh Sa Huỳnh, những bí ẩn của người Sa Huỳnh xưa hầu như đã được giải mã thông qua hàng chục ngàn hiện vật được tìm thấy liên quan đến người Sa Huỳnh từ các đợt thăm dò, khai quật ở dọc vùng biển và miền núi tại các tỉnh miền Trung Việt Nam./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Minh Huy