Bàn giải pháp cùng doanh nghiệp “vượt sóng” năm 2023

Bên cạnh những dấu hiệu phục hồi tích cực, một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là phát triển bền vững trong một môi trường biến đổi, rất năng động và khó dự đoán. Cần giải pháp gì để doanh nghiệp vượt qua – Đây chính là trọng tâm của diễn đàn “Kinh tế 2023 – Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 17/11 tại Hà Nội.

Thống kê những tháng đầu năm cho thấy, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.

Các chuyên gia đưa ra dự báo từ nay tới cuối năm và sang năm 2023 doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn chưa từng có do sụt giảm đơn hàng, “đói vốn” bởi dòng tiền đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh. Thế nhưng 2023 cũng là năm thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc. Trong bối cảnh kinh tế rơi vào khủng hoảng, thị trường thu hẹp, phải thực hiện trở lại nhiều nghĩa vụ tài chính nặng nề sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bờ vực phá sản.

Để vượt qua những rủi ro thách thức, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần những cơ chế, chính sách hiệu quả thiết thực tháo gỡ những khó khăn lâu nay kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Cũng theo các chuyên, ngay từ bây giờ, phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chính phủ phải quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó là có các chính sách tài khoá để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Trước dư địa về tài khóa và tiền tệ không còn nhiều, các chuyên ra cũng khuyến nghị, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì trong kinh doanh rất cần tinh thần dấn thân, tự chủ tự chịu trách nhiệm, đổi mới tư duy của doanh nghiệp.

Diệu Huyền