Australia nỗ lực bảo vệ rạn san hô Great Barrier

Chỉ vài tháng sau khi rạn san hô Great Barrier thoát khỏi nguy cơ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách “có nguy cơ” bị hủy hoại, Chính phủ Australia đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp nhằm giúp làm chậm đà xuống cấp của rạn san hô này, đồng thời tránh nguy cơ rạn san hô này có thể bị đẩy khỏi danh sách Di sản Văn hóa Thế giới.

Là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, với hơn 2.900 rạn san hô riêng rẽ và 900 hòn đảo trải dài trên 2.300 kilômét, với tổng diện tích 344.400 km2. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy, tình trạng san hô bị tẩy trắng đã ảnh hưởng đến 98% rạn san hô Great Barrier từ năm 1998, chỉ còn một phần nhỏ không bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Australia đang nỗ lực triển khai các biện pháp với hy vọng ngăn chặn nguy cơ quần thể san hô rộng lớn này bị xóa tên khỏi danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO).

Thủ tưởng Australia SCOTT MORRISON: Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ AUD để bảo vệ rạn san hô và chúng tôi tiếp tục cam kết đầu tư đầu tư hơn 703 triệu đô la Mỹ trong 9 năm tới để chăm sóc cho rạn san hô Great Barrier. Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để cải thiện chất lượng nước, triển khai hệ thống giám sát tại quần thể và chống các loài xâm lấn. Chúng tôi ủng hộ bảo vệ rạn san hô và tương lai kinh tế của các hãng du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ khách sạn và các cộng đồng dân cư ở Queensland vốn rất gắn bó với nền kinh tế san hô.

Trong khi đó, Tiến sĩ Jodie Rummer, thuộc khoa Sinh học Biển, trường Đại học James Cook nhấn mạnh rằng, các biện pháp của Chính phủ Australia sẽ thực sự mang lại hiệu quả tối đa khi vấn đề biến đổi khí hậu tại nước này được quan tâm đúng mức.

Tiến sỹ JODIE RUMMER - Đại học James Cook: Vấn đề biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với Rạn san hô Great Barrier. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu, làm khoa học và hướng tới bảo tồn Rạn san hô này. Tất cả những nỗ lực này đều hướng tới việc cải thiện chất lượng nước, khắc phục tình trạng xói mòn, ngăn chặn xâm lần… Tuy nhiên, những giải pháp này sẽ thật sự phát huy tối đa hiệu quả nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề chính mà rạn san hô đang phải đối mặt - đó là sự nóng lên đang xảy ra và vấn đề biến đổi khí hậu”.

Trước đó, Khi UNESCO cảnh báo về tình trạng của Di sản Thế giới này năm 2015, Australia đã lập một kế hoạch mang tên "San hô 2050" và chi hàng tỷ AUD để bảo vệ quần thể thiên nhiên này. Các biện pháp trên được cho là đã giúp làm chậm đà xuống cấp của rạn san hô nhưng nhiều phần trong quần thể này đã bị hư hại.