Argentina phát triển lúa mì biến đổi gen

Argentina đang thúc đẩy việc canh tác lúa mì biến đổi gen trong bối cảnh thế giới đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Trước đó, ngày 12/5 vừa qua, Argentina đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép thương mại hóa hạt giống, các sản phẩm và sản phẩm phụ có nguồn gốc từ giống lúa mì biến đổi gen HB4.

Những cây lúa mì non thuộc giống lúa mì biến đổi gen HB4 đang được trồng tại các nông trại ở thị trấn Pergamino của Argentina. Đây là chỉ là một trong gần 20 địa điểm thử nghiệm chủng lúa mì biến đổi gen. Giống lúa mì do Tập đoàn sinh học Bioceres phát triển, có ưu thế thích nghi tốt với điều kiện hạn hán và có khả năng kháng thuốc diệt cỏ glufosinate-amoni.

Bà RAQUEL CHAN, Nhà sinh học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và kĩ thuật Quốc gia Argentina: "Lúa mì biến đổi gen gần như không thể phân biệt được so với lúa mì bình thường. Điểm khác biệt đó là tính chịu hạn tốt hơn. Đây là điều có thể đã xảy ra trong tự nhiên. Thực tế, nó đã xảy ra với các trường hợp khác; đó là được gọi là chuyển đổi gen theo chiều ngang. Thông thường phải mất hàng nghìn năm. Chúng tôi đã làm điều đó nhanh hơn."

Những người ủng hộ cây trồng biến đổi gen cho rằng nó có thể giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới bằng cách cải thiện năng suất. Trong khi các đợt hạn hán lịch sử ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đang làm dấy lên lo ngại về tương lai của ngành sản xuất lương thực, với trọng tâm là tìm cách thích ứng cây trồng và phương pháp canh tác với khí hậu khô hạn hơn trong khi vẫn duy trì sản lượng.