22 ngày làm việc và những quyết sách quan trọng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Đúng 9h sáng nay 23/10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong triển khai các kế hoạch 05 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tham dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận. Mở màn kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu khai mạc quan trọng.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2023; phương án năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 01/7/2024; đồng thời, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai  kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác, cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đáng chú ý nhất là Luật đất đai sửa đổi đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung cần thống nhất trong kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với hoạt động giám sát tối cao, đáng chú ý lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp này cũng có điểm khác biệt.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với  các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Như vậy, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam