1.000 cán bộ, công chức ngành tòa án nghỉ việc năm 2022

Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho thấy, số lượng, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra. Nói thêm trước Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay: năm 2022 có 1.000 cán bộ, công chức Tòa án nghỉ việc.

Trong năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, giải quyết được 504.681 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%. So với năm 2021, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra không quá 1,5%. Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm.

Ông NGUYỄN HOÀ BÌNH, Chành án Toà án nhân dân Tối cao: “Đã tổ chức xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm. Các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ đồng và nhiều tài sản khác. Các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử 188 vụ với 297 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.”

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt tỷ lệ 62,4%, vượt 2,4% chỉ tiêu so với Nghị quyết Quốc hội. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là trong thời gian dịch bệnh.

Các Đề án cải cách tư pháp được nghiên cứu, xây dựng đạt chất lượng cao như: Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tuy nhiên bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót.

Ông NGUYỄN HOÀ BÌNH, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao: “Tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan; một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác.Các hạn chế, thiếu sót nêu trên là do: số lượng các loại vụ việc và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh và ngày càng phức tạp, trong khi đó số lượng Thẩm phán, công chức chưa đủ nên áp lực công việc rất lớn…”

Để khắc phục hạn chế, Tòa án nhân dân tối cao xác định sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.