10 năm chưa có cuộc đấu giá viễn thông nào: Vì sao lại không trình Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ?

Sáng 1/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung này.

Cùng tham dự có các Phó trưởng đoàn Giám sát gồm: Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Về phía cơ quan chịu sự giám sát, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016-2021, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Bộ Thông tin và Truyền thông được thực hiện nghiêm túc, đã tiết kiệm được trên 2.500 tỉ đồng. Về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, tài nguyên Internet , Bộ đã thực hiện đúng định hướng, bảo đảm quy định của nhà nước, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, tuân thủ các cam kết quốc tế, từng bước hình thành và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Ghi nhận những kết quả đạt được, tổ công tác cũng chỉ ra những hạn chế như việc cấp phép thông qua đấu giá đối với băng tần dành cho thông tin di động chưa thực hiện được do phải chờ ban hành nghị định về đấu giá tần số; việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số còn khó khăn do chưa quy định chặt chẽ trong Luật Tần số vô tuyến điện. Cùng với đó, việc phát triển tài nguyên viễn thông với lượng thuê bao lớn là chưa thật sự hiệu quả; dịch vụ viễn thông phát triển quá nhanh gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc đấu giá kho số viễn thông trong giai đoạn 2016-2021 gặp khó khăn. Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ làm rõ nguyên nhân của việc chậm tham mưu ban hành thể chế và tổ chức đấu giá tài sản về viễn thông trong thời gian qua.

Ông LÊ THANH VÂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Luật Viễn thông ban hành 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2018, quy định đấu giá tài sản với viễn thông bao gồm: Kho số viễn thông, tài nguyên internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo viễn thông… theo quy định phải đấu giá tài sản, nhưng không hiểu vì sao trong hơn 10 năm qua chưa có 1 cuộc đấu giá nào cả? Vì sao các đồng chí lại không trình Chính phủ để trình Quốc hội tháo gỡ vướng mắc về mặt luật lệ, không trình Chính ban hành các văn bản điều hành?”.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Bên cạnh doanh nghiệp sử dụng hiệu quả kho số, 1 số hiệu quả thấp như GTel, VietnamMobi, vậy Bộ cần chỉ ra nguyên nhân, báo cáo cần chỉ rõ việc phân bổ băng tần để chứng minh thời gian qua có nguyên nhân chủ quan và khách quan”.

Ý kiến khác cũng đề nghị Bộ nêu quan điểm trước tình trạng sim rác, sử dụng nhiều sim di động dưới góc độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông NGUYỄN MẠNH TIẾN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Ở nhiều nước sử dụng số điện thoại này như là tài khoản, dù rằng tiền là người dân bỏ ra nhưng nguồn lực vẫn là xã hội, vậy thì Bộ có ý kiến gì?”.

Nhiều nội dung khác như: Việc quản lý, sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động; Quảng cáo trực tuyến và xuyên biên giới; Quản lý bản quyền nội dung số, bản quyền video trực tuyến cũng được đoàn giám sát đặt ra đối với công tác quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Khắc Phục