Xung đột Nga-Ukraine thổi bùng ngành công nghiệp vũ khí tại Đông Âu

Đã từ lâu các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự được xem là cỗ máy in tiền cho những nhà sản xuất vũ khí. Xung đột ở Ukraine cũng không phải là ngoại lệ. Sau các đợt cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine, ngành công nghiệp sản xuất vũ khí ở Đông Âu được đánh giá là đang trong giai đoạn bùng nổ.

Ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu đang trên đà phát triển mạnh chưa từng thấy kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong số các quốc gia viện trợ vũ khí cho Kiev, 2 nước Đông Âu là Ba Lan và Cộng hoà Séc lần lượt xếp thứ 3 và thứ 9. Theo các chuyên gia, cuộc xung đột này đã mang đến những cơ hội mới cho ngành công nghiệp vũ khí của khu vực.

Ông SEBASTIAN CHWALEK - Giám đốc điều hành Tập đoàn vũ khí Ba Lan (PGZ): "Nhìn nhận góc độ thực tế về cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, có thể thấy nhiều quốc gia đang muốn tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, vì điều này sẽ đem lại các cơ hội mới để thâm nhập thị trường sản xuất vũ khí và tăng doanh thu xuất khẩu trong những năm tới."

Tập đoàn vũ khí Ba Lan (PGZ) hiện có kế hoạch đầu tư tới 1.8 tỷ USD trong thập kỷ tới, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu trước khi xảy ra xung đột.

Theo đó, tập đoàn này dự kiến sẽ sản xuất 1.000 hệ thống phòng không Piorun manpad di động vào năm 2023, cùng với các hệ thống pháo và súng cối, lựu pháo, áo chống đạn, vũ khí nhỏ và đạn dược cho Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Séc Tomas Kopecny cho biết Ukraine đã nhận được lô vũ khí trị giá gần 2.1 tỷ USD và thiết bị từ các công ty của Séc, khoảng 95% trong số đó là giao hàng thương mại. Ông cho biết, xuất khẩu vũ khí của Séc năm nay sẽ cao nhất kể từ năm 1989. Ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu có từ thế kỷ 19, khi nhà sản xuất ngườu Séc Emil Skoda bắt đầu chế tạo vũ khí cho Đế quốc Áo-Hung.