Xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng ở miền núi Sa Pa

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” hay còn gọi là chương trình OCOP đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của người dân. Tại thị xã Sa Pa của tỉnh Lào Cai, việc xây dựng sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng, không chỉ giúp bảo tồn văn hóa, nghề truyền thống mà còn tận dụng được địa thế, khí hậu để xây dựng sản phẩm OCOP du lịch, dịch vụ mới lạ.

Là đơn vị tiên phong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm tại Sa Pa, mỗi năm doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm túi xách, khăn, ví thổ cẩm. Qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ bản địa, sản phẩm thổ cẩm ngày càng trở nên tinh tế và độc đáo. Đến nay, doanh nghiệp đã có 3 sản phẩm thổ cẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao.

Với ý tưởng mang đến một “Sa Pa thu nhỏ”, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách, anh Thành đã cải tạo khu vườn của gia đình thành điểm du lịch sinh thái. Điểm nhấn là những bãi đá tự nhiên xen lẫn dòng suối và vườn cây ăn quả. Vườn đá Tả Phìn là một trong số ít điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Thị xã Sa Pa có 37 sản phẩm OCOP, các sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm OCOP vừa tạo việc làm cho người dân địa phương, vừa lưu giữ nét đặc trưng của văn hóa bản địa. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện, phản ánh đời sống sản xuất, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân vùng cao.

Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với gìn giữ nét đặc trưng vùng núi trở thành hướng đi bền vững, giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm và có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Vũ Thắng – Hồng Ngọc