Xây dựng pháp luật là nhằm phúc đáp yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn

Sáng 30/03 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 13, thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Cơ bản tán thành đề xuất của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tuy nhiên các ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát các đạo luật về thuế để đề xuất sửa đổi, bổ sung và đưa vào Chương trình, đồng thời đảm bảo chất lượng các dự án Luật, nghị quyết trình Quốc hội. 

Đối với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, xuất phát từ thực tế của địa phương nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất đưa dự án Luật này vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đã rất khẩn trương triển khai công tác rà soát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ các dự án luật để đề xuất đưa vào Chương trình, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội và Kế hoạch triển khai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong thực hiện quyền trình đề nghị xây dựng dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát các đạo luật về thuế để đề xuất sửa đổi, bổ sung và đưa vào Chương trình. Đặc biệt, tiến độ xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cần thực hiện đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương sửa đổi luật hiện hành trong năm 2023, để bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2024. 

Thùy Linh