Xây dựng, ban hành và thực hiện các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hình thức

Sáng 5/9, Đoàn giám sát của Quốc hội, do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Chính phủ về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Về phía Chính phủ, tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng đại diện các bộ, ngành.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2021, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành hơn 5.900 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; một số nội dung chồng chéo, khó khăn trong quá trình thực hiện ở bộ ngành, địa phương. Qua giám sát cho thấy, việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hình thức.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Mặc dù năm nào cũng nói tiết kiệm 10% nhưng tổng chi thường xuyên không giảm mà tăng lên. Tôi lấy con số quyết toán chi ngân sách nhà nước hàng năm đã được Quốc hội đưa vào Nghị quyết là năm 2019 tăng 4,75% so với 2018, năm 2020 tăng 4,73% so với 2018, trong khi đó chỉ số CPI về tăng giá năm 2019 chỉ có 2,79%, năm 2020 có 2,3%, điều đó chứng tỏ phần tăng chi này không phải do tăng giá mà do chúng ta chi nhiều hơn."

Việc ban hành chưa kịp thời đầy đủ, đồng bộ về hệ thống định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế độ cũng khiến khó xác định việc thực hành tiết kiệm, lãng phí.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: "Hiện nay có 1 số định mức rất thấp. Phần lớn tiêu chuẩn đều căn cứ vào ngắn hạn, chứ không dài hạn nên có tiêu chuẩn vừa ban hành xong lại không áp dụng được. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sớm sửa đổi để cho phù hợp với thực tiễn."

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Tiêu chuẩn định mức cũng bất cập với chi thường xuyên. Ví dụ, bệnh viện công chỉ bằng 10% bệnh viện tư thôi. Nếu chúng ta nâng định mức đó lên thì BHYT cũng không kham được, ngân sách nhà nước cũng không có điều kiện hỗ trợ. Một số định mức chúng tôi đang điều chỉnh nhưng phải được sự đồng ý của các địa phương, bộ ngành".

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo của Chính phủ cần rà soát đầy đủ hệ thống định mức, chế độ, tiêu chuẩn, quy chuẩn trên phạm vi cả nước; lượng hóa tối đa kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; thống kê danh mục văn bản có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: "Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo để hoàn thiện báo cáo tổng quát hơn để sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước, cả về nhân lực, vật lực, tài lực và cơ hội phát triển, khẳng định cả ưu điểm nổi bật, chỉ ra những nơi còn tồn tại khuyết điểm nổi lên; từ đó phân tích nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, từ đó quy trách nhiệm ở tầm vĩ mô".

Trưởng đoàn Giám sát cũng đề nghị, báo cáo cũng phải đánh giá kết quả thực hiện 7 chuyên đề giám sát của Quốc hội khóa 14, bổ sung 2 vấn đề gồm: Vốn vay nước ngoài và quỹ tài chính ngoài ngân sách. Các cơ quan tích cực phối hợp hoàn thiện báo cáo để trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp tháng 9.

Khắc Phục