Vướng mắc về thu chi ngân sách trong mô hình chính quyền đô thị

Sau ba năm thí điểm theo Nghị quyết 119 của Quốc hội, mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng bước đầu phát huy hiệu quả, tăng trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường. Tuy nhiên, việc xác định cấp quận, phường là cấp dự toán khiến địa phương bị động và loay hoay trong việc giải quyết đầu tư công và an sinh xã hội, gặp khó khăn trong thu, chi ngân sách địa phương.

Lễ hội đua thuyền phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà tổ chức từ tháng 3/2023. Là sáng kiến của địa phương, được UBND TP đồng ý thực hiện, nhưng, do là sự kiện mới, chưa có trong kế hoạch, nhiệm vụ chung của thành phố, phường phải dự toán và ứng trước kinh phí. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần kiến nghị, phường vẫn chưa nhận được thanh toán. Nguyên nhân chính là do phường hiện là cấp dự toán theo NQ119, nên không được chủ động về ngân sách.

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách, nên không còn nguồn tăng thu kết dư ngân sách, dự phòng ngân sách, trong khi nhiều việc phát sinh đột xuất ở cơ sở, như công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh khó lường, mà cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách theo quy định không kịp thời giải quyết, làm hạn chế động lực sáng tạo của địa phương. 

Theo khảo sát của chính quyền TP Đà Nẵng, hơn 73% cán bộ, công chức, viên chức quận và 60% cán bộ, công chức phường đánh giá công tác quản lý tài chính, ngân sách quận, phường khi là đơn vị dự toán bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý. Qua theo dõi, giám sát, đánh giá, thành phố đang từng bước tìm hướng tháo gỡ cho cơ sở.

Cùng với nỗ lực tìm hướng tháo gỡ từ phía địa phương, mới đây Chính phủ cũng đã đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu thêm cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, trong đó riêng về cơ chế quản lý tài chính ngân sách cũng cần được sửa đổi cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu điều hành, phát triển kinh tế xã hội ngay từ cơ sở.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

 

Nguyễn Hùng -

Anh Khoa