Vụ buôn lậu xăng dầu: Đề nghị truy tố 32 bị can liên quan đến trốn thuế

Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ cho Tòa án Nhân dân tiếp tục xét xử giai đoạn 2 vụ án buôn lậu xăng dầu liên tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đắk Nông, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh. 32 bị can trong đường dây này bị đề nghị truy tố.

Trong giai đoạn 2 của vụ án buôn lậu hàng triệu lít xăng-dầu liên tỉnh,VKS tỉnh Đồng Nai đề nghị truy tố 32 bị can, trong đó có các bị can Mai Thị Dần, Nguyễn Đức Chuyên, Nguyễn Đức Dần cùng ngụ tại tp Vũng Tàu, tỉnh BR-VT.

Theo cáo trạng: Ngày 8/2/2021, công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; in phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, xảy ra tại Đồng Nai và các tỉnh, thành. Quá trình điều tra, công an tỉnh Đồng Nai phát hiện đối tượng Nguyễn Thăng Long, Giám đốc công ty TNHH Xăng dầu 55555, do liên quan đến buôn lậu đã bị đưa ra xét xử, còn tiêu thụ nguồn xăng dầu không có hóa đơn chứng từ, do Mai Thị Dần, Giám đốc công ty TNHH Hà Lộc, tại tp.Vũng Tàu cung cấp.

Mai Thị Dần cùng chồng tên Nguyễn Đức Chuyên là chủ công ty Hà Lộc, kinh doanh xăng, vận tải xăng-dầu trên đường biển và đường bộ; cho thuê kho-bãi. Qua kết nối của người cháu ruột của Nguyễn Đức Chuyên là Nguyễn Đức Dần, công ty Hà Lộc đã mua xăng dầu không nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ với giá rẻ. Và tính đến tháng 10/2021, công ty Hà Lộc mua hơn 7,4 triệu lít xăng, hơn 2,1 triệu lít dầu DO, và bán lại cho 7 đầu mối ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Đắk Nông, Đắk Lắk, Khánh Hòa. Riêng công ty xăng dầu 55555 của Nguyễn Thăng Long mua hơn 730 ngàn lít xăng.

Việc bán xăng, dầu không nguồn gốc, chứng từ của công ty Hà Lộc được giao cho Lê Thị Thùy Linh, vừa là kế toán, vừa phụ trách kinh doanh thực hiện và không ghi vào sổ sách. Với cách này, công ty Hà Lộc đã trốn thuế hơn 15,2 tỷ đồng.

Ngoài Lê Thị Thùy Linh, còn có 21 đối tượng được ông chủ công ty Hà Lộc tuyển vào công ty làm giám đốc, quản lý, thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ, máy trưởng, thợ máy… Tất cả đều biết mua bán xăng-dầu không hóa đơn, chứng từ là phạm pháp, nhưng vì muốn có việc làm và thu nhập nên vẫn thực hiện.

Phát hiện sự việc, cơ quan điều tra đã bắt giữ, khởi tố 32 bị can. Viện KSND tỉnh Đồng Nai truy tố các bị can về tội trốn thuế. Cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên 4 tàu thủy là Hà Anh 01, Hà Anh 02, Hà Anh 05, Hà Anh 09 thuộc sở hữu công ty Hà Anh; tạm giữ hơn 22 tỷ đồng. Các bị can tự nguyện nộp hơn 21 tỷ đồng.

Trước đó, từ 25/10/2022 đến 8/12/2022, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 74 bị cáo trong chuyên án 920G buôn lậu gần 200 triệu lít xăng - giai đoạn 1, liên quan tội buôn lậu và nhận hối lộ. Mức án cao nhất đối với các “trùm” buôn lậu là 17 năm tù.

Xin mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Nguyễn Sơn