Vụ án “chuyến bay giải cứu”: Từ điều tra viên trở thành bị cáo

Ngày 11/7, TAND thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” với 54 bị cáo nguyên là quan chức, cán bộ của 4 Bộ, 2 tỉnh, 5 cơ quan đại diện Ngoại giao của Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 1 tháng, dưới sự điều hành của HĐXX do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. Thực hành quyền công tố có 9 kiểm sát viên. Hơn 100 luật sư đã đăng ký bào chữa tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Lợi dụng các “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, tổng cộng 25 cá nhân đã nhận hối lộ 165 tỷ đồng.

Bên cạnh đó có bị cáo Hoàng Văn Hưng từng là điều tra viên trong vụ án này nhưng sau đó Hưng bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trở thành bị cáo trong vụ án. 

Cụ thể, Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc công ty Bluesky trong quá trình xin cấp phép chuyến bay và cách ly đã đưa hối lộ cho một số cá nhân có thẩm quyền.

Cuối tháng 1/2022, khi biết vụ án đang bị điều tra, Hằng gặp Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội) tại nhà của Tuấn để nhờ Hưng giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự. 

Từ tháng 8/2022 đến tháng 9/2022, Hằng đã nhiều lần đưa tiền cho Tuấn, với mục đích để Tuấn đưa Hưng lo “cứu Sơn”. 

Tháng 9/2022, Hưng được điều chuyển sang công tác tại đơn vị khác, không còn liên quan đến việc điều tra vụ án. Sau khi cả Hằng và Sơn đều bị khởi tố, ngày 25/12/2022 Lê Hồng Sơn đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo.

Kết quả điều tra xác định, Hưng 2 lần nhận từ Tuấn tổng số tiền 800.000 USD (tương đương 18,8 tỷ đồng). 

(*) Nguồn: VOV

Thúy Hiền