Việt Nam chưa thể bán tín chỉ carbon vì còn thiếu nhiều quy định

Nhằm góp phần giảm phát thải hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng và vận hành thị trường mua bán tín chỉ carbon khá sôi động. Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ba năm sau, sẽ vận hành chính thức.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 năm 2050 của Việt Nam diễn ra vào chiều ngày 14/7 vừa qua. Thủ Tướng Chính Phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghị định quản lý tín chỉ carbon, trình Chính phủ trong quý II/2024. Thị trường carbon bao gồm rất nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, năng lượng, chăn nuôi, thú y... Hiện Việt Nam đang triển khai thí điểm ở lĩnh vực lâm nghiệp, tuy nhiên kết quả chưa thực sự khả quan.  

Chênh Vênh và thôn Hồ là 2 thôn miền núi với 100% đồng bào Vân Kiều sinh sống. Rừng tự nhiên ở 2 thôn này được huyện Hướng Hóa giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ từ năm 2017.

Từ khi được giao rừng, cộng đồng thôn Chênh Vênh đã thành lập ban quản lý, ban giám sát và 7 tổ bảo vệ gồm 42 người. Tất cả thành viên đều tham gia trên tinh thần tự nguyện. Dù không được hưởng bất cứ kinh phí nào ngoài được quyền khai thác một số nguồn tài nguyên từ rừng như măng, nấm….nhưng tinh thần giữ rừng của người dân ở đây rất cao.

Với sự góp sức tích cực của người dân, cánh rừng này đã trở thành cánh rừng thứ 5 của Quảng Trị được cấp chứng chỉ quốc tế FSC, đồng nghĩa với việc đã đủ điều kiện để bán tín chỉ carbon. Hiện Quảng Trị đang rao bán trữ lượng carbon rừng này cho 1 công ty của Hà Lan.

Tiềm năng là rất lớn, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, hầu như chưa có địa phương nào có thể bán được tín chỉ carbon. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài muốn mua tín chỉ carbon tại Việt Nam nhưng cũng gặp trở ngại. Tất cả là do chúng ta chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Theo đó, quyền bán quyền mua không biết phải triển khai như thế nào?

Một thách thức khác đó là mặc dù có diện tích rừng lớn nhưng nhiều khu vực rừng của Việt Nam lại có chất lượng không cao làm ảnh hưởng tới chất lượng các tín chỉ. Cùng với đó, thực trạng suy giảm nặng nề những năm gần đây cũng đang khiến diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng thu hẹp.

Do đó, rõ ràng rừng của Việt Nam là bể chứa carbon trữ lượng lớn, nhưng có trở thành hàng hóa hay không thì vẫn phải chờ đợi tiếp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!