Vì sao TPHCM đề nghị UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới?

Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về hoàn thiện báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi và giải trình một số nội dung với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc trình UNESCO đưa địa đạo này vào danh mục dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam góp ý, Địa đạo Củ Chi là công trình phục vụ chiến đấu. Tuy nhiên, so sánh với một số di tích chiến tranh được công nhận di sản thế giới như về công năng sử dụng cũng như lịch sử hình thành đều có độ chênh nhất định. Vì vậy, Địa đạo Củ Chi cần được làm rõ có tiêu chí tương đồng nào và điểm khác biệt gì với các di sản, nhằm nói lên giá trị toàn cầu.

Sau khi nhận được góp ý của Hội đồng khoa học trong quá trình xây dựng báo cáo tóm tắt, Sở VH&TT TP.HCM thông tin, từ đầu năm 2023, Ban Giám đốc Khu Di tích Địa đạo Củ Chi đã lập kế hoạch, thực hiện việc tư liệu hóa, xác minh, bổ sung thông tin để điều chỉnh, sắp xếp không gian, khu vực trình bày tại di tích và bảo quản những hiện vật.

Theo bản báo cáo tóm tắt, Địa đạo Củ Chi được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, với những công cụ thô sơ và dựa trên kinh nghiệm truyền thống, tri thức dân gian trong hoàn cảnh chiến tranh. Đây là yếu tố thể hiện sức mạnh phi thường của con người Củ Chi cũng như giá trị độc đạo của công trình, khiến công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế ngưỡng mộ, khâm phục.

Hiện tại, một số nhân vật lịch sử tham gia xây dựng địa đạo cung cấp tài liệu, thông tin liên quan quá trình hình thành địa đạo còn sinh sống trên địa bàn. Đây là những nhân chứng quan trọng, góp phần xây dựng hồ sơ đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn và nổi bật các tiêu chí về giá trị toàn cầu của di sản.

(*) Nguồn: Dân Trí

Thúy Hiền