Vì sao doanh nghiệp không mặn mà xây nhà ở xã hội?

Thời gian qua chính sách nhà ở cho nguời lao động, công nhân ở các khu công nghiệp được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên thực tế triển khai có nhiều vướng mắc bởi nhiều điều kiện đi kèm khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư loại hình này cũng như đa số người lao động gặp khó khăn khi tiếp cận thuê, mua nhà ở xã hội.

Không “mơ” mua được nhà ở xã hội nhưng hơn 80 ngàn lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Hà Nam “ mơ” được thuê những căn hộ kiên cố như Khu Thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam mới đi vào hoạt động từ năm 2021.

Chỉ được cho thuê mà không thể bán, Khu Thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam có chủ đầu tư là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang gặp nhiều vướng mắc bởi Điều 54 và Điều 55 Luật Đất đai 2013 thì đơn vị này là tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. Đây cũng là 1 trong nhiều vướng mắc mà Chính phủ dự kiến sửa đổi để kéo nhà đầu tư vào đầu tư loại hình này.

Bên cạnh đấy, việc quy định dành 20% quỹ đất ở các dự án đầu tư nhà ở thương mại nhưng lại vướng các cơ chế thủ tục đi kèm như chỉ được bán sau 5 năm khiến cho doanh nghiệp khó thu hồi vốn để tái đầu tư.

Hiện Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân. Kỳ vọng những chính sách mới sẽ tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong bối cảnh nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tăng cao mà nguồn cung hạn chế.

Bích Hạnh