• 1914 lượt xem
  • 22:11 01/02/2022
  • Văn hóa

Về Hội An học hát bài chòi

Tết luôn là thời khắc đặc biệt, không chỉ đặc biệt với thiên nhiên đất trời mà còn đặc biệt trong chính tâm hồn mỗi người. Tết còn đặc biệt bởi đây là thời khắc chúng ta được trở về, được hoài niệm với tất cả những gì đặc biệt nhất. Và chắc hẳn mỗi người vẫn còn nhớ hội hô hát bài chòi mỗi dịp Tết.

Bài chòi vốn là trò chơi dân gian trong những ngày tết ở vùng duyên hải Trung Bộ để thử vận may đầu năm. Nó tạo ra không gian diễn xướng hết sức sinh động và đầy sáng tạo, vừa là sân chơi văn hoá, vừa đề cập đến những vấn đề trong cuộc sống thông qua lối hô hát ứng tác hóm hỉnh. Từ một trò chơi dân gian, bài chòi đã tiếp nối các giá trị truyền thống, tiếp thu văn hoá hiện đại để khẳng định giá trị của mình giữa dòng chảy thời gian.

Hình ảnh công nhận bài chòi 20” 15h15 phút ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài Chòi - Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Niềm mơ ước của bao nhiêu con người đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, để giữ gìn và lưu truyền nghệ thuật hô hát Bài chòi… đã thành hiện thực. 

Nghệ nhân LƯƠNG ĐÁN: “Khi mình được nghe tin thì không riêng gì bản thân tôi mà tất cả những người làm nghề như chúng tôi từ Quảng Nam rồi những người bạn ở xa, các vùng miền Trung thì người ta rất là hạnh phúc. Và những người bạn chúng tôi cũng chia sẻ trên trang mạng fb là đủ hết. Người ta chúc mừng nhau. Riêng bản thân tôi ở đây và những người anh em nói chung ở đây rất là hạnh phúc” 

Nghệ sĩ DƯƠNG QUÝ: “Là 1 nghệ sĩ thì mình cũng rất là tâm huyết với loại hình hô hát bài chòi này. Cái niềm tự hào đi cùng với trách nhiệm. Mình cũng nghĩ cố gắng làm sao đó, từ nay sẽ cố gắng hơn nữa, tâm huyết hơn nữa, đam mê hơn nữa và mình có trách nhiệm trao truyền, dạy lại thế hệ trẻ sau này.”

MC ĐOÀN NHUNG: “Và thưa quý vị, trong chương trình hôm nay, chúng tôi mời quý vị cùng sống lại với những nét độc đáo của di sản văn hoá phi vật thể của thế giới – bài chòi. Và sẽ cùng cảm nhận và trải nghiệm dưới cái nhìn của lớp trẻ. Đồng hành với Đoàn Nhung trong chương trình hôm nay xin giới thiệu Hồng Minh và Gia Kiệt.”

Đó là cô bé tóc mây Trịnh Nguyễn Hồng Minh. Với giọng hát tinh tế, truyền cảm, cô bé chinh phục được cả bốn vị huấn luyện viên và trở thành Quán quân The Voice Kids phiên bản Việt mùa thứ 3.

Và Dương Gia Kiệt - cậu bé 11 tuổi đến từ Đà Nẵng đã thực sự chinh phục được ban giám khảo và khán giả khi xử lý kỹ thuật tốt trong các bài hát khó để trở thành Quán quân đầu tiên của 'Ai sẽ thành sao nhí' mùa đầu tiên năm 2017

Em TRỊNH NGUYỄN HỒNG MINH: “Trước đây con cũng từng được các cô chú ở dân ca bài chòi của CLB dân ca Bài chòi có hướng dẫn cho con. Con thấy bộ môn này rất là hay, rất vui tươi, sinh động.”

Em DƯƠNG GIA KIỆT: “Dạ con chưa biết”

Em TRỊNH NGUYỄN HỒNG MINH: “Nó giống như cải lương miền Nam nhưng nó sẽ có nhịp vui tươi hơn”

Em DƯƠNG GIA KIỆT: “Con cũng chưa nhìn thấy lần nào.”

Em TRỊNH NGUYỄN HỒNG MINH: “Con rất là vui, rất là hào hứng và rất muốn thử mình với thể loại dân ca bài chòi”

Em DƯƠNG GIA KIỆT: “Cảm xúc của con là phấn khích khi sắp được biết đến dân ca bài chòi.”

MC ĐOÀN NHUNG: “Không phải ngẫu nhiên mà chương trình lại mời Hồng Minh và Gia Kiệt cùng tham gia. Bởi vì 2 bạn ấy sẽ thực hiện 1 nhiệm vụ là sẽ học 1 trích đoạn và trình diễn phần hô hát bài chòi đó. Hồng Minh, con nghĩ sao về thử thách này.”

HỒNG MINH: “Con nghĩ là sẽ cố gắng để thực hiện cái phần hô hát bài chòi cho thật hay”

GIA KIỆT: “Con nghĩ con cũng sẽ cố gắng thật nhanh nhất để mình hoàn thành bài chòi hôm nay”

Gia Kiệt có vẻ lo lắng với thử thách này và cậu bé nhanh chóng tra cứu thông tin liên quan. Còn Hồng Minh thì có vẻ tự tin hơn hẳn khi đã từng được kinh qua các làn điệu dân ca khu 5. Nên cô bé ung dung nạp năng lượng chuẩn bị cho thử thách của chương trình.  

MC ĐOÀN NHUNG: “Điểm dừng chân của chúng tôi ở phố cổ Hội An chính là Xứ Đàng Trong. Nơi đây có rất nhiều hoạt động diễn xướng dân gia phục vụ người dân và du khách. Và đây cũng chính là nơi Hồng Minh, Gia Kiệt sẽ được theo dõi chương trình và trải nghiệm.”

Nghệ sĩ DƯƠNG QUÝ: “Làn điệu bài chòi này khó hát, kể cả phát âm. Vì bài chòi không phải hát suông như 1 làn điệu dân ca. Từ ngữ nó mang đậm tính chất địa phương Quảng Nam, mang tính hài hước, dí dỏm trong lời hát.”

Em TRỊNH NGUYỄN HỒNG MINH: “Con cảm thấy rất là thú vị, những giai điệu rất vui tươi”

Em DƯƠNG GIA KIỆT: “Con rất vui khi được chú Dương Quý dạy cho con những điệu bài chòi cơ bản.”

Em TRỊNH NGUYỄN HỒNG MINH: “Con thấy trong bài chòi có rất nhiều câu ca dao tục ngữ, con đã được học.”

Nghệ sĩ DƯƠNG QUÝ: “Phải nói là 2 em mới tiếp xúc loại hình này nhưng các em rất là nhanh. Mình nghĩ là do các em có tố chất nghệ sĩ trong người rồi. Cho dù các em hát chưa được hay nhưng có chất, và đặc biệt là 2 em có chất dí dỏm, hài hước trong người, vui tính nên hợp với loại hình này.”

Em TRỊNH NGUYỄN HỒNG MINH: “Lúc đầu tập thì rất là ngượng vì cách phát âm của người Quảng, thấy cũng hơi khó. Nhưng mà con sẽ cố gắng luyện tập để hoàn thành nhiệm vụ của mình.”

Em DƯƠNG GIA KIỆT: “Bài chòi thì lần đầu con nghe, nên con cũng chưa hiểu được ý nghĩa của nó. Và con cũng chưa hát hay nó được.”

Em TRỊNH NGUYỄN HỒNG MINH: “Dễ nhất thì con thấy là phần học thuộc lời. Vì trong đó có những câu ca dao”

Nghệ sĩ DƯƠNG QUÝ: “Hồng Minh được 7 điểm. Gia Kiệt được 8 điểm. Mới học như vậy là tốt rồi.”

Nhà nghiên cứu văn hoá PHÙNG TẤN ĐÔNG: “Bài chòi, trước hết nó là một loại hình bài bạc. Nó có bộ bài của nó. Mà bộ bài đó thì người ta gọi là bài tới. Tức là nguyên lý trò chơi như vầy: Có 30 quân gồm 15 cặp, mỗi cặp là hai con bài. Nhà cái người ta giữ 30 quân, phát cho người khác 30 quân. Tức khi người chơi hô trúng tên con bài thì người chơi được 1 quân, được 3 quân là kêu tới. Bài chòi có sức tương tác rất lớn, và chính sự tương tác như vậy thì bản thân nó cũng phải mở ra. Mở về nội dung, có thể là mang nội dung của đời sống đương đại, phê phán những tệ nạn, ca ngợi người tốt việc tốt… khiến nó luôn luôn phù hợp với cuộc sống, đó là về mặt nội dung. Các làn điệu thì nó dung nạp rất nhiều các làn điệu. Tất nhiên người ta làm bảo tồn thì vẫn phải giữ những làn điệu cơ bản như là xuân nữ, xàng xê, hò quảng, vè. Giữ cái đó là cái bất biến để phát triển những cái ứng biến, những làn điệu mới, những tác giả sáng tác dân ca trên cơ sở chất liệu dân ca Khu Năm rất gần với bài chòi. Chúng ta đưa hò khoan vào trong bài chòi, đưa vè vào trong bài chòi, dung nạp rất nhiều kể cả những bài nhạc mới, những ca khúc mới.”     

Bài chòi lúc nào cũng phù hợp với cuộc sống đương đại. Thứ nhất là nhờ tính tương tác của trò chơi, lúc nào nó cũng đầy cuốn hút, say mê trò chơi. Thứ hai là nghệ thuật. Một trò chơi đầy chất nghệ thuật, âm nhạc, văn học thể hiện trong đó. Người chơi, người nghe suy đoán. Thứ nhất là suy đoán theo kiểu trò chơi. Chờ tới quân mình hay chưa? Chờ người ta hô lên có phải tên của con bài mình hay không? Thứ hai là người ta thưởng thức âm nhạc, thưởng thức văn học. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là cái sinh hoạt mà khi người Việt vào khai hoang, đất xứ Đàng trong, đất Phương Nam, tức là quá trình nam tiến. Đây là cái sinh hoạt vui chơi, giải trí của những người sống trên chòi, và thường là những cái chòi canh rẫy, rẫy dưa, rẫy bắp hay canh lúa rẫy … người ta dựng coi chòi lên ở, rồi người ta sinh hoạt luôn trên chòi. Thành thử cách giải thích như vậy cũng khá là hợp lý. Thứ hai, theo tôi thì ngày tết Nguyên đán người ta rất trang trọng, thế thì ở một mặt bằng bình thường thì trò chơi sẽ không được tôn vinh. Bởi vì mặt bằng người trước ngó người sau, người ta không thấy tính chất biểu diễn của trò chơi, tức là anh hiệu, chị hiệu, trống, dàn nhạc… Thế nên người ta mới dựng chòi lên cho nó trang trọng. Cũng giống như thời hiện đại người ta dựng sân khấu thôi. Thế thì phải có cái độ cao nhất định thì người ta mức quan sát hết, hồi hộp theo dõi ván cờ được. Thế thì cái giải thích thứ 2 nó hợp lý hơn.

Quả thật, học hát dân ca bài chòi quả thật là một nhiệm vụ đầy tính thử thách đối với Hồng Minh và Gia Kiệt. Sau gần một ngày vừa học hát, vừa tập luyện, 2 em đã sẵn sàng cho thử thách này.

Em TRỊNH NGUYỄN HỒNG MINH: “Con thấy đối với bộ môn nghệ thuật bài chòi này thì nó vui tươi, sinh động, và phản ánh cuộc sống đời thường hằng ngày của chúng ta. Con nghĩ là con sẽ tìm hiểu thêm về cái dân ca bài chòi này” 

Em DƯƠNG GIA KIỆT: “Con cảm thấy môn bài chòi là 1 môn mình học rất là khó. Để học được thì mình phải dành rất nhiều thời gian và con thấy những ca từ trong bài chòi nó rất ý nghĩa, rất là hay.”

Học hát bài chòi thực sự không quá khó với những ai yêu cái đẹp, yêu quê hương, yêu cái tình người nồng ấm. Có thể thấy, để 1 trò chơi trở thành di sản – đấy là 1 chặng đường hết sức gian nan của những con người tâm huyết với loại hình nghệ thuật này. Và càng đòi hỏi người miền Trung phải nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ di sản, cũng là giữ gìn nét đẹp tinh thần của mình, tiếp tục cho nó bám rễ và phát triển bền bỉ trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân.

Mỹ Phượng