Ưu tiên nguồn lực, xây dựng Cảnh sát cơ động tinh nhuệ, hiện đại

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV đầu giờ sáng nay 14/6, với tỷ lệ 91,16% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động

Với 454 đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động. Luật quy định Nhà nước  ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động. Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo luật này,  CSCĐ là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân,  là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Luật quy định Cảnh sát cơ động sử  dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để tấn công, ngăn chặn đối tượng  thực hiện  hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực  xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức; giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự …  

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động - Cảnh sát cơ động có quyền: Ngăn chặn, vô hiệu hóa  tàu bay  không người lái và các phương tiện  bay siêu nhẹ  trực tiếp tấn công, hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động; Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế  của  công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;  được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ  ở của cá nhân theo quy định tại Điều 13 của luật này để chống khủng bố,  giải cứu con tin.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam