Trình Quốc hội về cơ chế đặc biệt cho hơn 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Có thể thấy số nợ với số người lao động bị tác động từ năm 1995 đến nay là rất lớn khi doanh nghiệp nợ, chậm, thậm chí là trốn đóng hoặc chủ bỏ trốn đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có chế tài xử lý nghiêm minh những đơn vị này. Bài toán này đặt ra là giải quyết bài toán cho trên 200.000 lao động này như thế nào và có sự điều chỉnh về mặt Luật pháp ra sao lại là câu chuyện cần bàn đến.

Theo Luật BHXH có hiệu lực từ năm 2016, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của 4 bộ luật, gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Nhưng bốn luật này đang quy định thiếu thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.

Theo các chuyên gia, bài toán trước mắt là giải quyết quyền lợi của người lao động cho các trường hợp ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị cần có giải pháp cụ thể xử lý con số trên 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, cả lương hưu để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Văn Thắng