Tránh trục lợi trong chuyển nhượng đất trồng lúa

Về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (tại Điều 45). Đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định theo hướng bảo đảm cho công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân trục lợi, thu gom đất trồng lúa nhằm tích trữ, đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Hiện, dự thảo Luật thiết kế 03 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa:

Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. 
Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng nên quy định theo phương án hai để đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận nguồn đất đai theo chủ trương tại nghị quyết 18.

Một số đại biểu nghiêng về phương án một và cho rằng phương án này giúp tránh các đối tượng trục lợi, thu gom đất trồng lúa nhằm tích trữ, đầu cơ, chuyển đổi mục đích sử dụng.

Ở một góc nhìn khác, một số đại biểu cho rằng phương án 3 là phù hợp, đảm bảo hài hoà giữa các bên mà vẫn  hạn chế được việc thu gom đầu cơ đất.
                                                                 
Dù còn các ý kiến khác nhau, song các đại biểu đều thống nhất với mục tiêu tạo cơ hội cho các nông hộ và các nhà đầu tư tiếp cận với đất đai thuận lợi, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam