Tránh đại trà hoá hương ước làng bản

Xây dựng hương ước, quy ước nhằm mục đích gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Đó là nội dung được một số đại biểu đặc biệt quan tâm trong chương trình làm việc giữa Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch vào chiều 15/03.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao, Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 122 năm 2018 trong đó đưa ra tiêu chuẩn của danh hiệu gia đình văn hoá là phải chấp hành hương ước, quy ước của cộng đồng nơi cứ trú. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng chỉ đạo hướng dẫn theo dõi việc xây dựng triển khai thực hiện hương ước, quy ước trong Quyết định số 22 năm 2018 của Thủ tướng về xây dựng thực hiện hương ước, quy ước. Trao đổi về nội dung này, các đại biểu cho rằng đây là nội dung quan trọng cần phải được quan tâm triển khai và cần phải nghiên cứu những đặc điểm riêng để giữ gìn bản sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà VÕ THỊ MINH SINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Thành viên Đoàn Giám sát: “Về hương ước, quy ước cộng đồng dân cư, khi xây dựng phải có người dân tộc thiểu số, với tỷ lệ người dân tộc miền núi liệu có giải pháp gì để thực hiện quy ước, hương ước riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số không, ngoài cái chung phải có cái riêng. Ví dụ ở Nghệ An là có vùng cứ nhuộm tóc đỏ là không được vào làng chẳng hạn.”

Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04 năm 2020 quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho rằng đây là thông tư ảnh hưởng rất lớn đến công tác dân tộc, các đại biểu cũng đề xuất Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch cần phải đánh giá kỹ để triển khai có hiệu quả các văn bản này trong thực tiễn. 

Bà NGUYỄN THỊ SỬU, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: “Nội dung thông tư ảnh hưởng lớn đến công tác dân tộc, đề nghị Bộ đánh giá tính hiệu quả của thông tư trong thực tiễn, tính khả thi chưa toàn diện.”

Trao đổi thêm về nội dung này, đại diện Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho rằng đây là vấn đề mà Bộ đặc biệt quan tâm, hàng năm đều có kế hoạch triển khai xây dựng các mô hình và có ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra giám sát và hướng dẫn, đặc biệt tránh đại trà hóa hương ước. 

Ông NGUYỄN THANH SƠN, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: “Đảm bảo tránh trường coppy, đại trà hoá hương ước, kiểm tra định hướng và đề nghị địa phương tăng cường phát huy bản sắc văn hoá vùng miền, dân tộc phù hợp với phong tục tập quán trong việc xây dựng hương ước, quy ước tránh nhân bản các hương ước, quy ước. Bộ hàng năm đôn đốc và sắp tới có kiểm tra việc thực hiện hương ước quy ước.”

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản pháp luật thể chế hoá việc đầu tư nghiên cứu xây dựng thực hiện hương ước, quy ước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đồng bào tự giác thực hiện, bài trừ các hủ tục lạc hậu, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, nâng cao đời sống văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngọc Tuấn