Tránh chồng chéo về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Sáng 14/3, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đây là dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 tới đây.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 ; đồng thời, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng.

Sau 28 năm thực hiện pháp lệnh, việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ; việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, thời gian qua , nhiều luật có nội dung liên quan được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, trong đó có Luật Đất đai năm 2013, nên có nhiều nội dung quy định trong pháp lệnh không còn phù hợp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quân sự, quốc phòng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện pháp lệnh. Tuy nhiên, có 66 văn bản có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, trong đó có 43 văn bản là bộ luật, luật, pháp lệnh. Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để xác định các nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và đề xuất phương án xử lý, trong đó có Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Viễn thông đang được sửa đổi.

Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, có ý kiến cũng đề nghị làm rõ quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự so với quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Sỹ Cường