Tranh cãi quanh việc thực thi thỏa thuận ngũ cốc Nga - Ukraine

Tranh cãi đang nổ ra liên quan đến nguồn ngũ cốc và phân bón của Nga và Ukraine. Trong khi Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các mặt hàng này ra thị trường thế giới thì sản phẩm lương thực Ukraine giá rẻ lại tràn ngập tại châu Âu, khiến người nông dân châu lục này cũng phải xuống đường biểu tình phản đối.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký vào tháng 7-2022 đã giúp khơi thông dòng xuất khẩu ngũ cốc bị mắc kẹt tại Nga và Ukraine kể từ khi nổ ra xung đột.

Thỏa thuận vừa được gia hạn thêm 60 ngày vào tháng 3 vừa qua.

HAI BỨC TRANH KHÁC BIỆT

So với 120 ngày như lần trước, Nga chỉ quyết định gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, với cáo buộc các điều khoản trong thỏa thuận, như việc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu của nước này đối với phân bón, đang không được tôn trọng.

Trong khi Nga gặp khó trong xuất khẩu, thì Ukraine lại đang tìm cách đưa nguồn lương thực của nước này qua đường biên giới trên bộ với Ba Lan và Rumani, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thỏa thuận. Kết quả, khi nhiều nơi trên thế giới đang phải đau đầu với bài toán lương thực, thì các nước châu Âu và lân cận Ukraine lại đang “ngập lụt” với số hàng hóa này.

Nhiều nhóm nông dân tại Rumani, Ba Lan, Bulgaria đã phải xuống đường biểu tình để phản đối tình trạng nhập khẩu nông sản từ Ukraine, khiến giá thành lương thực tại các nước này giảm mạnh, trong khi chi phí cho nông nghiệp lại tăng cao do thiếu nguồn phân bón.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Kowalczyk đã phải từ chức trong bối cảnh nông dân nước này giận dữ vì lượng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine. Bên không thể xuất khẩu, bên lại thừa thãi, có lẽ các bên có nhiều việc phải làm trước khi không thể đi tới được sự đồng thuận trong lần gia hạn thỏa thuận vào tháng 5 tới.

QT