TPHCM: Ảm đạm làng nghề đan lát ngày cận Tết

Trước những năm 2000, nghề đan lát ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM vô cùng phát triển. Thời kỳ đỉnh cao, xã có hàng ngàn hộ dân theo nghề. Xe ra, vào lấy hàng nườm nượp. Vậy nhưng, những năm gần đây, lượng tiêu thụ bị giảm mạnh, người dân cũng dần bỏ nghề. Hiện đã là thời điểm cuối năm nhưng không khí sản xuất vẫn hết sức ảm đạm.

Đây là cơ sở chuyên sản xuất các mặt hàng đan lát từ tre, trúc, nứa tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM. Hằng năm, cơ sở này sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm đan lát, với nhiều mẫu mã đa dạng, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Âu. Để chuẩn bị cho đơn hàng tết, cơ sở này đã chủ động mở rộng quy mô, tuyển dụng thêm lao động nhưng tới nay, đơn hàng vẫn hết sức khiêm tốn.

Tại xã Thái Mỹ, nghề đan lát đã có hơn 100 năm. Trước đây, nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ, thu nhập từ nghề tốt nên hầu như toàn xã đều theo nghề. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hoá, tre, nứa dần nhường chỗ cho nhà cửa. Muốn làm nghề phải nhập tre từ vùng khác tới. Đồng thời, sự thay đổi về thị hiếu, nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm đan lát, các hộ dân cũng dần chuyển đổi sang nghề nghiệp khác. Hiện toàn xã chỉ còn 196 hộ còn giữ nghề.

Nghề truyền thống dần bị thu hẹp, mai một, những hộ, cơ sở còn theo nghề, giữ nghề, những năm gần đây lại đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất do thiếu đơn hàng. Đây không chỉ là khó khăn riêng của nghề đan lát tại Thái Mỹ mà là tình trạng chung của nhiều ngành nghề truyền thống khác trên địa bàn TPHCM.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Vân -

Tăng Sắc