TPHCM: 70% phu huynh học sinh lớp 1 không muốn con học trực tiếp

Liên quan kết quả khảo sát hơn 70% số phụ huynh có con học lớp 1 tại hơn 560 trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM “không đồng thuận cho trẻ đi học trở lại kể từ ngày 13/12 tới”, sáng 08/12, UBND Thành phố đã có công văn khẩn chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, sẽ tạm thời chưa tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục cho trẻ 5 tuổi và học sinh lớp 1 đến khi có thông báo mới.

Do tình hình dịch bệnh, việc học trực tuyến của bé Gia Nghi – gia đình chị Ngọc, ngụ tại Quận Phú Nhuận, TP.HCM diễn ra trong gần 5 tháng qua. Cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, trong quá trình kềm cặp tại nhà, các tình huống éo le gặp phải với bé, chị Ngọc đều đã trải qua.

Chị NGUYỄN CHÂU NGỌC, Quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết: “Các bé mới vào lớp 1 cũng chưa quen nề nếp, bởi các bé từ mầm non lên, chỉ chơi là chính, nên các bé sẽ có những bỡ ngỡ khi vào môi trường gò bó phải ngồi ngay ngắn học từng con chữ. Với những bé chỉ mới 6 tuổi thì việc ngồi kiên nhẫn không có nhiều như những bé lớn hơn, nên việc học online trở nên rất khó khăn.”

Khó khăn so với thời điểm trước dịch bệnh là thế, nhưng khi có thông tin UBND Thành phố ban hành công văn khẩn chỉ đạo việc tạm thời chưa tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 1, hơn 70% phụ huynh đều rất đồng tình. Hơn 85.400 phụ huynh có con học lớp 1 trên toàn thành phố tiếp tục ủng hộ việc học trực tuyến là điều dễ hiểu.

Chị NGUYỄN KHÁNH LY, Quận 10, TP.HCM cho rằng: “Phụ huynh cũng đồng tình với việc học trực tiếp trở lại, phụ huynh sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Tuy nhiên cần có phương án để cảm thấy yên tâm hơn. Có thể thầy cô sẽ có thể đưa ra một số phương án nếu lỡ trong trường hợp trong lớp có F0 thì sẽ giải quyết các trường hợp học sinh còn lại như thế nào?”

Theo các chuyên gia lĩnh vực giáo dục hay tâm lý, giá trị của việc học tập tại trường ngoài việc cung cấp kiến thức còn là cơ hội tốt để trẻ gia nhập vào đời sống xã hội, phát triển bản thân, tham gia vào các hoạt động giao tiếp cùng bạn bè đồng trang lứa, tham gia hoạt động tập thể để ý thức về vai trò xã hội của mình về sau.

Ông DƯƠNG TRÍ DŨNG, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: Sở Giáo dục Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế đã thực hiện những bước liên quan đến thẩm định các phương án an toàn phòng chống dịch tại các đơn vị. Đồng thời phải kích hoạt lại các tổ tư vấn tâm lý tại các đơn vị trường học để đảm bảo xử lý các tình huống khi phụ huynh học sinh hay các em học sinh có thể bị sang chấn tâm lý. Đồng thời thực hiện nâng đỡ tâm lý đối với bộ phận học sinh thuộc nhóm học sinh yếu thế.

TS. TÔ NHI A, Chuyên gia tâm lý: Trẻ lớp 1 nói riêng và các khối lớp khác nói chung nhìn chung đều rất muốn tham gia học tập tại trường, tuy nhiên việc làm hiện nay là cần phải có giải pháp đồng bộ. Chúng ta trong lúc chờ đợi các thành tựu y học thì rất cần các phương án từ cả gia đình, nhà trường và xã hội để có thể từng bước cho trẻ tham gia học tập một cách an toàn nhất có thể và thỏa mãn những nhu cầu tâm lý trong việc học.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nên chăng người lớn dần thay đổi từ nhận thức đến thực hành các giải pháp để bình thường hóa công tác giáo dục đào tạo? Nhà trường có biện pháp tốt nhất có thể cho các diễn biến tiên đoán trước. Phụ huynh cần có sự chuẩn bị tâm lý cho quá trình học tập lâu dài của trẻ. Bởi khi áp dụng một giải pháp tình thế quá lâu, đến một thời điểm cũng trở nên đáng lo ngại cho sự phát triển của chính trẻ nhỏ về thể chất lẫn tinh thần.