Tình trạng “tham nhũng vặt”, “nhũng nhiễu” doanh nghiệp và người dân

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về kết quả và ý nghĩa của Hội nghị Trung ương lần thứ tám, khóa XIII. Hội nghị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc để tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII, nhằm cải thiện đời sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

Đồng thời, cử tri và Nhân dân đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác đối ngoại… đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Về phục hồi và phát triển kinh tế, cử tri và Nhân dân đánh giá cao Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ, các giải pháp; huy động được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài tuy chưa đạt kế hoạch nhưng đều cao hơn cùng kỳ năm 2022.

Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học và công nghệ, Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao đội ngũ nhà giáo trong cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã tận tâm, tận lực cống hiến công sức cho phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Ngành giáo dục, đào tạo đã nghiêm túc, cầu thị chú ý lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, tìm mọi giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập của ngành; việc tổ chức hội nghị trực tuyến kết hợp trực tiếp kết nối rộng rãi để lắng nghe ý kiến của các nhà giáo là việc làm tốt, không né tránh, đối diện với khó khăn, thách thức để vượt qua nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước. 

Cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp, tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục, thiếu trường, lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học của các trường công lập, để con em những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải học ở các trường ngoài công lập với chi phí cao, trong khi thu nhập còn thấp nên rất áp lực trong cuộc sống, do đó cần sớm xây dựng mức đóng học phí cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng học sinh bỏ học vì học phí quá cao. Mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để sớm khắc phục những bất cập trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, việc quy định tiêu chuẩn nâng trình độ giáo viên nên theo lộ trình, công tác quản lý trong thực hiện các khoản thu đầu năm ở các nhà trường cần được thực hiện nghiêm túc hơn nữa.

Về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Cử tri và Nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước, ngành y tế đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và vật tư tiêu hao để bảo đảm phòng, chống dịch, khám chữa bệnh cho Nhân dân; ghi nhận sự nỗ lực cao độ của các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là ở địa bàn khó khăn; kịp thời cứu chữa nạn nhân trong các sự cố thiên tai, cháy nổ....

Cử tri và Nhân dân đánh giá công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã “truyền lửa” đến cấp tỉnh, thực sự trở thành xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân lưu ý tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ngày một tinh vi hơn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân hàng, đất đai.

Cạnh đó, tình trạng “tham nhũng vặt”, “nhũng nhiễu” doanh nghiệp và người dân; thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tập trung siết chặt kỷ cương, kỷ luật, rà soát pháp luật để bịt các kẽ hở. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức, bổ sung quy định về xử lý tài sản không giải trình hợp lý; tăng cường cơ chế giám sát của xã hội…

Bên cạnh việc xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc tiêu cực, cử tri và Nhân dân đề nghị có chính sách khoan hồng, giảm tội cho những cá nhân vi phạm nhưng không mang tính chất vụ lợi, tạo cơ hội cho họ khắc phục sai phạm.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người... để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm trong quản lý và thi hành công vụ, công khai danh tính, địa chỉ để Nhân dân giám sát. 

Ngoài ra, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thảo luận kỹ lưỡng những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân khi nhà nước thu hồi đất.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!