Điểm tin thế giới ngày 03/4: Nga nêu điều kiện tiếp tục hợp tác trên Trạm vũ trụ quốc tế

Tổng Giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos cho biết, việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và các dự án không gian chung khác sẽ chỉ có thể thực hiện được một khi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga được dỡ bỏ.

Tổng Giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos (Rót-cốtx-mótx) cho biết, việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và các dự án không gian chung khác sẽ chỉ có thể thực hiện được một khi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga được dỡ bỏ.

Theo ông Dmitry Rogozin – Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ liên bang Nga, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ, Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Canada đã nói rõ rằng các lệnh trừng phạt áp đặt với các doanh nghiệp vũ trụ của Nga hiện nay sẽ chưa được dỡ bỏ. Tuy nhiên, những lệnh này không áp dụng với các hoạt động nhất định thuộc dự án Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Tuy nhiên, Nga không đồng tình với kịch bản này, và việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác trên ISS và trong các dự án chung chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp. Trước đó, ông Rô-go-zin từng cảnh báo các lệnh trừng phạt có thể "hủy hoại" mối quan hệ đối tác Nga-Mỹ về ISS.

ẤN ĐỘ - AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO TẠM THỜI

 Sau gần 10 năm đàm phán, Ấn Độ và Australia đã ký một hiệp định kinh tế mang tính bước ngoặt vào ngày 2/4, văn kiện sẽ cắt giảm thuế quan đối với hơn 85% hàng hóa xuất khẩu sang quốc gia Nam Á. 

Thỏa thuận thương mại tự do tạm thời này được kỳ vọng sẽ giúp Ấn Độ tăng cường quan hệ với quốc gia giàu tài nguyên Australia khi New Delhi (Niu Đê-li) tìm cách trở thành một trung tâm sản xuất để vực dậy nền kinh tế từng bị chao đảo vì đại dịch COVID-19. Đối với Australia, thỏa thuận sẽ mở ra cánh cửa vào thị trường 1,4 tỷ dân, trong bối cảnh nước này phải chật vật vì các biện pháp hạn chế thương mại đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu. Việc ký kết hiệp định trên diễn ra trước thềm một chiến dịch bầu cử quốc gia ở Australia, với việc chính phủ trung hữu của ông Morrison (Mô-ri-xơn) đang nỗ lực dọn đường cho các cuộc thăm dò dư luận bằng câu chuyện về quản lý kinh tế mạnh mẽ.

HONG KONG (TRUNG QUỐC)  YÊU CẦU TOÀN DÂN XÉT NGHIỆM COVID-19

 Nhà chức trách Hong Kong, Trung Quốc hôm qua đã yêu cầu toàn bộ dân số hơn 7,4 triệu người tự nguyện xét nghiệm Covid-19 tại nhà trong ba ngày liên tiếp, kể từ tuần tới.

Thông báo của trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga được đưa ra trong bối cảnh khu vực này đang vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát tồi tệ nhất đang xảy ra và nhà chức trách phát đi nhiều tín hiệu trái chiều về làm xét nghiệm và phong tỏa. Trước đó, nhà chức trách Hong Kong đã từng phải bác bỏ ý tưởng trên sau khi một thông báo gây ra cảnh mua sắm hoảng loạn. Hong Kong hôm 1/4 đã dỡ bỏ lệnh cấm cư dân từ 9 quốc gia đang có số ca mắc Covid-19 cao (gồm cả Anh và Mỹ) trở về.

AUSTRALIA: SÓNG LỚN NHẤN CHÌM BÃI BIỂN SYDNEY

1 tháng sau trận lũ lụt lịch sử tại Australia, hôm qua, những con sóng lớn đã ập vào bờ biển miền Đông Australia, làm ngập nhiều ngôi nhà và "nhấn chìm" bãi biển Bondi (Bon-đi) trứ danh ở thành phố Sydney, bang New South Wales

Cảnh báo nguy hiểm đã được ban bố đối với hầu hết các khu vực duyên hải ở New South Wales, trong bối cảnh gió mạnh như tiếp thêm sức cho những cơn sóng dữ. Thời tiết khắc nghiệt đã gây thiệt hại lớn cho người dân trong khu vực này, mặc dù những báo cáo chi tiết chưa được công bố. Những hình ảnh lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cho thấy thủy triều dâng cao với những cột sóng lên tới 5 mét đã ập xuống nhiều ngôi nhà khiến người dân phải bỏ chạy.  Hình thái thời tiết cực đoan này được ghi nhận sau trận lũ lụt lịch sử hồi đầu tháng 3, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Biến đổi khí hậu cũng được cho là nguyên nhân góp phần vào điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Australia.

CHUYÊN GIA MỸ ĐẾN TRUNG QUỐC ĐIỀU TRA VỤ RƠI MÁY BAY

 Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ đã cử 1 nhóm các nhà điều tra và cố vấn kỹ thuật tới Trung Quốc để điều tra vụ tai nạn máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern Airlines hôm 21/3 vừa qua.

Theo thông báo, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ đã cử một nhóm 7 chuyên gia tới Trung Quốc để điều tra vụ tai nạn thương tâm này. Theo hiệp ước của Liên hợp quốc, quốc gia nơi xảy ra vụ tai nạn sẽ dẫn đầu cuộc điều tra, trong khi đại diện từ các quốc gia nơi máy bay và các bộ phận của nó được sản xuất có thể tham gia hỗ trợ. Trước đó, hôm 21/3 vừa qua, máy bay Boeing 737-800 số hiệu 5735, khởi hành từ thành phố Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) đến thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông), đã mất liên lạc khi bay qua thành phố Ngô Châu thuộc tỉnh Quảng Tây. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên máy bay có 132 người, bao gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn.#
 

Bùi Thảo