• 1333 lượt xem
  • 20:37 30/04/2023
  • Xã hội

Tiêu điểm: Tín chỉ carbon rừng - Thị trường mới với nhiều cơ hội lớn

Để giảm phát thải hiệu quả, từ lâu nhiều nước trên thế giới đã xây dựng và vận hành thị trường carbon. Khi thị trường này vận hành, ngành lâm nghiệp có thêm nhiều cơ hội để thương mại hóa tín chỉ carbon rừng. Việt Nam cũng đang hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng về bằng “0” vào giữa thế kỷ, và Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng về rừng.

Theo thống kê, năm 2021, Lâm nghiệp Việt Nam có 14.7 Triệu ha chiếm 42% độ che phủ với trữ lượng rừng là khoảng 990 triệu m3. Dự tính 10 năm tới con số này sẽ tăng lên 1.250 triệu m3.

Với trữ lượng rừng hiện tại đang có và cách thức quy đổi 1 tấn CO2 tương đương 1 tín chỉ carbon rừng thì mỗi năm, rừng của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Trên thực tế, Việt Nam đã bước đầu tham gia thị trường carbon bắt buộc thông qua một số chương trình, dự án, thỏa thuận giảm phát thải, trong đó có Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 được ký giữa Việt Nam và Ngân hàng thế giới vào tháng 10/2020 với cam kết Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho WB, đơn giá là 5 USD/tấn CO2, đạt tổng giá trị 51,5 triệu USD. Qua đó sẽ tiếp thêm sinh kế cho những người nông dân đang sống dựa vào rừng.

Việc bán này có thể thực hiện dưới dạng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính, hoặc bán tín chỉ carbon rừng. Hiện Việt Nam mới dừng lại ở việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới. 

Để có thể thương mại hóa tín chỉ carbon rừng, không còn cách nào khác, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng các cơ hội, góp phần đạt được mục tiêu Thỏa Thuận Paris cũng như giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn tài chính quốc tế. 

Kim Thoa