Tiêu điểm: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khảo sát, tháo gỡ vướng mắc trên tuyến đường Trường Sơn Đông

Từ ngày 16-19/5, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, đã khảo sát thực tế tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Quảng Nam về việc triển khai tuyến đường Trường Sơn Đông. Đây là công trình kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh, với tính chất đặc biệt quan trọng về chiến lược phòng thủ quốc gia.

GỠ VƯỚNG MẮC TRIỂN KHAI TUYẾN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN ĐÔNG

Từ khi thi công vào năm 2007 đến nay, tổng số chiều dài tuyến đường đã nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng là hơn 500Km, chiếm gần 85% chiều dài xây dựng.

Tuyến đường Trường Sơn Đông  bắt đầu từ Km số 0 tại thị trấn Thạnh Mỹ-huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam,  đi qua 7 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Với 516 Km đã bàn giao, đưa vào sử dụng, tuyến đường đã  thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Dự án tuyến đường Trường Sơn Đông có chiều dài hơn 600km, đi qua địa bàn 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, điểm kết thúc thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua chuyến khảo sát có thể cho thấy, dự án này đã và đang phát huy hiệu quả trong củng cố quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc các địa phương 7 tỉnh mà tuyến đường đi qua.

Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng dự án đã gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, điều kiện thi công trong mùa mưa rất khó khăn, do những thay đổi các quy định pháp luật. Tại địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, Đoàn đã  khảo sát thực tế, nghe đơn vị thi công, giám sát và chủ đầu tư báo cáo, đề xuất kiến nghị để thúc đẩy tiến độ triển khai, góp phần thông tuyến. 

Ông OSMANI NARARYO BARRERA - Giám đốc Văn phòng điều hành Tư vấn giám sát DINVAI Cu Ba: “Vùng này địa chất yếu, rời rạc. Nếu khi mùa mưa đến, đất ngấm nước dễ bị sạt, lở, sẽ ảnh hưởng đến hầm. Nếu chúng ta triển khai sớm được thì sẽ tránh được nguy hiểm.”

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trưởng Đoàn Công tác: “Bắt đầu chuẩn bị vào mùa mưa, cho nên nguy cơ rất cao nên mong anh Nghị về bàn với Thường vụ.”

Ông ĐÌNH MÀU - Đơn vị thi công: “Tuyến mình đi qua 5 cầu đã thông, nhưng từ vướng mặt bằng sẽ kéo dài thời gian thi công, dẫn tới nguyên vật liệu tăng cao. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tổng tham mưu có phương án để tạo điều kiện cho nhà thầu.”

Trung tướng PHÙNG SĨ TẤN - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam: “Ban quản lý 46 sẽ báo cáo những kiến nghị của anh lên Bộ Tổng tham mưu, để báo cáo với Bộ Quốc phòng và phối hợp với các Bộ ngành để tham mưu cho Chính phủ, những vấn đề gì vượt qua khả năng của Chỉnh phủ sẽ báo cáo Quốc hội.”

Qua khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương,  Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương  cùng Đoàn công tác đề nghị các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk báo cáo rõ hơn những giải pháp, kiến nghị, đề xuất cụ thể trong triển khai dự án tuyến đường Trường Sơn Đông; quan tâm chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GPMB, thúc đẩy tiến độ dự án.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trưởng đoàn Công tác: “Đây là tuyến đường đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa cả về chính trị, kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Trong đó có ý nghĩa về về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật về khu vực phòng thủ. Tôi đề nghị các đồng chí cố gắng làm cho mọi người nhận thức sâu sắc cái này, cố gắng bằng mọi cách để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, vào cuộc một cách quyết liệt.”

Trưởng đoàn Công tác cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường,  Bộ Quốc phòng tăng cường phối hợp với các địa phương, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, sớm hoàn thành toàn, thông tuyến bộ dự án.

BUÔN LÀNG ĐỔI THAY BÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN ĐÔNG

Tuyến đường Trường Sơn Đông là trục dọc giao thông giữa Quốc lộ 1A ở phía Đông và đường Hồ Chí Minh ở phía Tây, đi qua 19 huyện thuộc 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên với chiều dài hơn 666Km. Tại nhiều địa phương, các đoạn tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho các buôn làng.

Ngồi bên căn nhà dài cạnh đường tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua buôn Ea Lai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk , tỉnh Đắk Lắk, chị H’Sra Bya nhớ như in, khoảng hơn 10 năm trước, đây vẫn là con đường đất, mỗi khi nắng thì bụi, mưa thì lầy lội khiến việc đi lại của người dân trong buôn gặp muôn vàn khó khăn. Từ khi tuyến đường được đầu tư, đưa vào sử dụng, việc đi lại giao thương của bà con vô cùng thuận lợi.

Chị H’SRA BYA - Buôn Ea Lai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk: “Ngày xưa khi còn là con đường đất, bà con đi lại khó khăn lắm. Từ khi được Nhà nước đầu tư đường bê tông, việc đi của bà con rất thuận lợi, thoải mái. Bà con vui lắm.”

Xã Krông Jing có hơn 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhiều thôn buôn có điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn. Sau khi tuyến đường Trường Sơn Đông được đầu tư qua địa bàn, bộ mặt buôn làng ngày càng khang trang.

Ông Y THIẾU BYA - Chủ tịch UBND xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk: “Khi có đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn xã Krông Jing, thứ nhất rất thuận lợi cho bà con trong việc đi lại; thứ hai các mặt hàng sản xuất của bà con, thương lái vào tận thôn buôn thu mua rất thuận tiện, có thể giao lưu hàng hóa với các địa phương, không bị ép giá. Bà con rất vui mừng khi có con đường đi qua.”

Còn tại xã Krông Á của huyện M’Đrắk, trước đây, người dân tại các thôn, buôn mỗi khi muốn ra trung tâm xã phải đi cả tiếng đồng hồ. Nông sản sản xuất ra bị thương lái ép giá. Nay, người dân chỉ việc chở nông sản ra ven đường để bán. 

Anh PHÙNG VĂN ĐÔNG - Thôn 5, xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk: “Tôi sống ở đây từ năm 1995 đến giờ, trước đây là con đường đất, ra xã chỉ mấy cây nhưng đi lại khó khăn. Từ khi Nhà nước đầu tư đường Đông Trường Sơn, bà con đi lại, các cháu đi học rất thuận lợi, lúa sản xuất ra chỉ cần chở ra đường là có thương lái đến mua.”

Ông TRẦN VĂN HÔNG - Phó Chủ tịch HĐND xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk: “Từ khi có tuyến đường này, bộ mặt của xã thay đổi, đời sống nhân dân được phát triển. Trước kia đường sá đi lại khó khăn, nông sản bà con sản xuất ra bị thương lái ép giá. Khi có tuyến đường nông sản được giá, giao thông thuận tiện, sản xuất thì tăng lên, hộ nghèo cũng giảm xuống từng năm, đời sống người dân ngày một đi lên.”

Đường mòn Trường Sơn Đông huyền thoại năm xưa cùng với đồng bào các dân tộc sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ, một lòng đoàn kết, theo Đảng, theo Bác Hồ, đã góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 60 năm kể từ ngày mở đường, con đường huyền thoại ấy lại tiếp tục được Nhà nước đầu tư mở rộng, kết nối những vùng đất khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân.

KHẢO SÁT ĐỂ THÚC ĐẨY TIẾN ĐỘ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN ĐÔNG

Dự án tuyến đường Trường Sơn Đông được lãnh đạo Quốc hội các khóa rất quan tâm, và đã có 2 đoàn khảo sát của Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn năm 2015, đại tướng Đỗ Bá Tỵ vào năm 2018. Qua lần khảo sát này, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn sẽ tiếp tục ghi nhận tình hình và những đề xuất từ thực tiễn.

Phóng viên: Thưa đại biểu, chuyến khảo sát hàng trăm km dọc tuyến đường Trường Sơn Đông vừa qua của đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thu được những kết quả từ thực tế. Vậy với tư cách là thành viên của đoàn công tác, xin ông cho biết một số cái kết quả bước đầu cũng như ý nghĩa của cái chuyến khảo sát rất là quan trọng này?

Ông TRỊNH XUÂN AN - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Chúng tôi vừa mới kết thúc chuyến khảo sát đối với tuyến đường Trường Sơn Đông, tuyến đường trải dài gần 700 km. Đây là một cuộc khảo sát, có thể gọi là kiểm tra và khảo sát của một Đoàn công tác lớn của Quốc hội đối với một tuyến đường quan trọng về kinh tế xã hội cũng như quốc phòng, an ninh. 

Trước hết, qua chuyến công tác, chuyến khảo sát này, giúp cho các cơ quan Quốc hội, đặc biệt là các cơ quan về quốc phòng, an ninh, cơ quan triển khai các Nghị quyết liên quan đến ngân sách, có đánh giá thật sát, thật kỹ đối với việc triển khai một tuyến đường rất là quan trọng, sử dụng vốn đầu tư công. 

Thứ hai, nó giúp cho đoàn kiểm tra, đoàn công tác và giám sát có một cái nhìn tổng quan liên quan đến việc triển khai các dự án, trong đó có cái dự án tuyến đường Trường Sơn Đông này, để từ đó chúng ta rút ra những kinh nghiệm cho việc triển khai các dự án tới đây. 

Thứ ba rất quan trọng, giúp cho đoàn Quốc hội trên cơ sở ý kiến của các địa phương, các nhà thầu, nhà thi công, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành để có những cái kiến nghị phù hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, với Chính phủ và thậm chí có những kiến nghị phù hợp với Quốc hội để trước mắt, xử lý những vướng mắc để thúc đẩy tiến độ của dự án tuyến đường này.”

Phóng viên: Vậy ngoài những kết quả đạt được thì theo đại biểu những vấn đề gì cần lưu ý đối với việc triển khai cái tuyến đường đặc biệt quan trọng này?

Ông TRỊNH XUÂN AN - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Dự án đường Trường Sơn Đông với một mục đích rất là quan trọng, đó là kết nối 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đi một trục giữa của Tây Nguyên. Với mục đích, ý nghĩa quan trọng như vậy thì việc chúng ta phát huy vai trò của tuyến đường này là hết sức cần thiết. Dự án này của chúng ta đã được triển khai đến năm nay là năm thứ 17, đã được điều chỉnh 2 lần. Tôi cho rằng, với tiến độ như vậy thì về mặt thời gian là kéo dài. Đây là tuyến đường sử dụng vốn nhà nước, sử dụng vốn đầu tư công. Chúng ta phải bảo đảm hiệu quả giải ngân, cộng với chất lượng, tiến độ. Vướng mắc là điều quan trọng nhất mà Đoàn quan tâm, đó là tuyến đường này sẽ đi qua những địa bàn mà cần thiết phải sử dụng những diện tích rừng. Đoàn đã đến tại nơi, tại chỗ, kiểm tra từng hạng mục đang bị dừng thi công, đang hoãn thi công, nhất là trong điều kiện thời gian đang vào mùa mưa, ảnh hưởng rất lớn của thời tiết. Do đó chúng ta phải tháo gỡ kịp thời những khó khăn, những cái vướng để làm sao chúng ta đẩy nhanh hơn nữa về mặt tiến độ, ít ra phải bảo đảm tiến độ, từ nay đến năm 2025 phải thông tuyến.”

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam!

Với ý nghĩa đặc biệt của tuyến đường Trường Sơn Đông, nên việc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành toàn bộ dự án là điều hết sức cần thiết, bởi nếu dự án chậm tiến độ sẽ gây lãng phí nguồn lực. Tuyến đường này hoàn thành sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân, xứng đáng với mục tiêu, ý nghĩa chính trị của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại./.

Cao Hoàng