Tiền ảo chưa được công nhận, liệu có nên đưa vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền?

Ngày 4/8, tại TPHCM, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)” trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV.

Tại hội thảo, các đại biểu đồng tình với việc cần thiết ban hành dự án Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi bởi việc hoàn thiện quy định pháp luật là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt trong việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền và các tội phạm liên quan. Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các đại biểu cơ bản thống nhất công tác phòng chống, rửa tiền liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Ông NGUYỄN ĐĂNG HỒNG, nguyên Phó Chánh Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền: “So với Luật 2012 thì trách nhiệm các bộ ngành chúng ta đưa ra nhiều hơn, có những cái tương đối rõ hơn và tôi cho rằng cần phải như thế. Về trách nhiệm của Bộ Tài chính ở khoản 2, khoản 4, đề nghị các đồng chí rà soát lại, làm rõ, ngoài bảo hiểm nhân thọ còn có loại bảo hiểm nào khác có thể lợi dụng rửa tiền, nếu còn loại bảo hiểm khác có thể lợi dụng để rửa tiền thì nên ghi chung là phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như quy định tại luật năm 2012”.

Một số nội dung theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) như phòng chống rửa tiền đối với cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo, các đại biểu cũng cho rằng chưa cần thiết đưa vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội: “Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, các hoạt động kinh doanh đấy chưa được thừa nhận ở Việt Nam nên việc đưa vào đây có thể gây ra rất nhiều cái tranh cãi về mặt pháp lý. Bộ Tư pháp cho rằng nếu ghi vào đây thì vô hình chung mình thừa nhận hoạt động kinh doanh đấy, chưa hẳn ý kiến đấy đã thuyết phục nhưng nó sẽ gây ra tranh cãi về mặt pháp lý.”

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp sâu sắc, chất lượng của đại biểu và ghi nhận nhiều nội dung đã được lãnh đạo Ngân hàng nhà nước  giải trình, làm rõ. Trên cơ sở các ý kiến tại hội thảo, Ủy ban Kinh tế sẽ tiến hành thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14, khóa XV. 

Phạm Quyền