Thực hành tiết kiệm chống lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng 23/5, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bàỳ tờ trình và Uỷ ban tài chính ngân sách thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Báo cáo cho thấy, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63, Nghị quyết số 74 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, giảm các khoản chi không cần thiết để bổ sung nguồn lực chống dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả đã tiết kiệm được 53.896 tỷ đồng, Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ. Một số doanh nghiệp có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Công tác cải cách hành chính được quan tâm; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, hiện chính phủ chưa có đánh giá, phân tích trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm. Việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm và việc giải ngân gói hỗ trợ theo nghị quyết 43 mới đạt 26% kế hoạch. Đây là vấn đề Chính phủ cần nhìn nhận để có giải pháp quyết liệt thực hiện, tránh lãng phí nguồn lực .

Truyền hình Quốc hội Việt Nam