Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế

Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng. Nhìn nhận liên kết vùng và vai trò của khu vực kinh tế tập thể ra sao được thảo luận tại Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương diễn ra sáng 3/8, tại Hà Nội.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có hơn 30.000 HTX (riêng nửa đầu năm nay thành lập mới khoảng 1.000 HTX, cùng hơn 120 nghìn tổ hợp tác), thì việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động sẽ góp phần giúp hoạt động của các HTX, tổ hợp tác hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.
 
Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp, với hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp nên việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản phải đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên,  các đại biểu nhận định, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực này còn khá lỏng lẻ, chuỗi giá trị kém hiệu quả. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh. Các đại biểu khuyến nghị, cần kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng, sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Trong bối cảnh chung, các vùng kinh tế cần điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ sang sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế./. 

Hà Lan -

Thế Anh