Thụ lý gần 2000 vụ xâm hại trẻ em trong 9 tháng đầu năm

Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em cần gắn với nâng cao nhận thức xã hội về hành vi xâm hại, tố giác và lên án kịp thời. Đây là nội dung được thảo luận tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em vào sáng nay. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban chủ trì cuộc họp.

Công tác chăm sóc trẻ em trong năm qua đã có nhiều thay đổi thích ứng với bối cảnh hậu đại dịch, tiêu biểu là quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của trẻ em, phòng ngừa sang chấn tâm lý, chăm sóc trẻ mồ côi, đẩy mạnh tiêm phòng Covid-19 để các em được đến trường ổn định,…

Bên cảnh những nỗ lực đó, trẻ em vẫn là đối tượng yếu thế và dễ dàng bị xâm hại. Trong 9 tháng đầu năm, Bộ Công an phát hiện hơn 1700 vụ việc xâm hại trẻ em với số nạn nhân là trên 1800 trẻ. Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý gần 2 nghìn vụ xâm hại người dưới 18 tuổi. Các vụ việc nóng như bé gái 8 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh bị bạo hành tử vong hay vụ bé gái bị đóng đinh vào đầu được cơ quan chức năng nhanh chóng thụ lý, tuy nhiên đây chỉ là những vụ việc nổi cộm, trong khi nhiều em vẫn đang chịu nhiều tổn thương và chưa được quan tâm đánh giá đúng mức.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Xâm hại trẻ em còn rất nhiều, đặc biệt là xâm hại tình dục. Mình phải hiểu xâm hại của mình nặng hơn các nước phát triển. Ở nước ngoài chì chiết đã là xâm hại, mình phải đòn roi, phải hậu quả nặng mới tính xâm hại. Cái này cần truyền thông mạnh hơn.”

Việc điều tra vụ án, lấy lời khai chưa phù hợp tâm lý trẻ có thể gây ảnh hưởng đến các em không khác gì xâm hại thứ cấp nhiều lần. Để khắc phục điều này, trong năm nay, Bộ Công an đã bổ sung 1000 điều tra viên, tăng cường xây dựng các phòng điều tra thân thiện, tạo môi trường dễ chia sẻ hơn với các đối tượng đặc thù.

Thùy Vân