• 1321 lượt xem
  • 20:00 03/04/2023
  • Xã hội

Thay đổi quan niệm học kém vào trường nghề

Những năm gần đây, áp lực thi cử mỗi mùa tuyển sinh tại các thành phố lớn không ngừng gia tăng khi tỉ lệ chọi ngày càng cao. Đơn cử tại Hà Nội, tỉ lệ được tuyển vào trường THPT công lập năm nay chỉ chiếm 55,7%, thấp kỉ lục trong 7 năm trở lại đây. Thực tế, cánh cổng vào trường THPT không phải là con đường duy nhất của các em.

Nếu làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng từ sớm, các em sẽ có thêm nhiều lựa chọn và giảm bớt phần nào những căng thẳng trong xã hội mỗi mùa tuyển sinh.

Dù đã học lớp chọn những năm cấp 2, nhưng khi tốt nghiệp lớp 9, Hạ Lan đã lựa chọn học nghề thay vì cách lách qua khe cửa hẹp của kì thi vào lớp 10 công lập. Yêu thích vẽ từ nhỏ, em chọn chuyên ngành thiết kế đồ họa để được thực hành sâu hơn công việc mình yêu thích ngay từ sớm.

Với hệ 9+ mà Lan theo học, các em sẽ học văn hóa kết hợp học nghề ngay khi hết lớp 9 và nhận bằng cao đẳng sau khi kết thúc 3 năm đào tạo. Điều này giúp các em trở thành lao động tay nghề cao ngay từ sớm, nhưng vẫn đảm bảo trang bị đủ nền tảng văn hóa cần thiết.

Hệ thống đào tạo nghề bài bản hiện nay đang dần thay đổi quan niệm xã hội về việc học nghề là kém, hay học nghề sẽ trở thành lao động tay chân vất vả với thu nhập thấp. Thực tế cho thấy, không có nghề nào kém cao quý hơn nghề nào, và luôn cần đạt đến trình độ nhất định mới có thể hưởng mức thu nhập cao.

Những năm qua, tỷ lệ sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm trái ngành luôn là vấn đề nhức nhối, xong cũng khiến quan niệm về bằng cấp cũng như việc làm đang dần thay đổi theo hướng tích cực. Trong lộ trình đổi mới giáo dục, cấp THCS và THPT là cấp học phân luồng hướng nghiệp. Đồng nghĩa với việc học sinh cần sớm xác định mục tiêu thực sự muốn theo đuổi lĩnh vực nào, ngành nghề gì để có những quyết định từ sớm, thay vì thụ động như trước.

Như Huỳnh