Thanh tra cấp huyện: Việc thì nhiều mà người thì ít

Tại kỳ họp thứ 10, khi cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để giải quyết những bất cập ở cơ sở, không để phát sinh những vấn đề lớn trở thành bức xúc kéo dài, đùn đẩy cho cấp trên, không nên bỏ Thanh tra cấp huyện, thậm chí cần tăng cường năng lực cho Thanh tra ở cấp này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở cơ sở.

Các thành viên UBTVQH cho rằng, xã hội càng phát triển thì yêu cầu quản lý nhà nước, tăng cường hoạt động thanh tra ngày càng cao. Do ở cấp xã không có tổ chức thanh tra, nên thanh tra cấp huyện là không thể thiếu.

Bà NGUYỄN THỊ THANH - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Cách tổ chức thực hiện chưa tốt hoặc bố trí lực lượng thanh tra mỏng, chưa đảm bảo yêu cầu. Do vậy, tôi đề xuất trong điều kiện cụ thể sắp xếp tổ chức về biên chế, cần tăng cường đổi mới tổ chức và năng lực để giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở.”

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: Phải chăng thanh tra đang theo hình thức nón lộn ngược, trên thì nhiều (người), dưới cơ sở thì quá ít. Thực tế thì biên chế, con người, tổ chức (dưới cơ sở) ít nhưng việc ở dưới đấy nhiều hơn. Tôi thống nhất theo tờ trình Chính phủ là phải tổ chức 3 cấp."

Một số ý kiến khác còn cho rằng, không chỉ duy trì thanh tra cấp huyện mà cần tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng cho cấp này khi mà huyện là 1 cấp ngân sách, thực hiện việc thu hồi đất, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Kiến nghị là phải tăng cường nhân lực cho cấp huyện vì công việc ở phường xã ngày càng phức tạp, nếu bỏ đi thanh tra huyện thì các cấp chính quyền từ huyện tới xã thiếu vắng thanh tra, cấp tỉnh thì không thể nào với tay xuống.”

Ông TRẦN THANH MẪN - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: “Thanh tra huyện thay mặt Nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, Ngân sách nhà nước, giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương, ở cấp xã lên cấp huyện mới lên cấp tỉnh. Nếu bỏ cấp huyện thì ai làm vấn đề này?

Giải trình thêm, Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, dự thảo luật giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm 3 cấp: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện là thực hiện theo nguyên tắc, ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó có thanh tra, kiểm tra.

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG - Tổng Thanh tra Chính phủ: “Thanh tra huyện không chỉ là tổ chức làm nhiệm vụ thanh tra mà còn thực hiện công việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của huyện, xã, rất quan trọng ở cơ sở.Thứ hai, thanh tra huyện còn giúp huyện về phòng chống tham nhũng.” 

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này, vì vậy  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cơ quan soạn thảo cần có lập luận thuyết phục.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, định hướng tầm nhìn đến năm 2030 có nói đến chuyện 2 cấp thanh tra. Chỗ này Ban soạn thảo cần lý giải, nhất là cho cơ quan thẩm tra, quan trọng là cái lập luận tại sao lại 3 cấp, tại sao lại 2 cấp, minh không nề hà lắm về chiến lược vì chiến lược chỉ là văn bản định hướng thôi.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra cấp hành chính theo mô hình 3 cấp; đồng thời đề nghị cần bổ sung chức năng phòng chống tiêu cực của ngành thanh tra trong dự thảo luật.

Khắc Phục