Thách thức trong quản lý rừng bền vững ở vùng cao

Dù phát triển kinh tế từ đồi rừng đang trở thành hướng đi đúng đắn giúp người dân vùng cao từng bước xóa đói giảm nghèo nhưng tại nhiều nơi, công tác mở rộng diện tích rừng chưa đi đôi với quản lý rừng bền vững, việc cấp chứng chỉ rừng còn gặp nhiều khó khăn.

Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến tính ổn định của môi trường rừng cũng như khó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân từ việc bán các sản phẩm lâm nghiệp.

Năm 2016, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên được cấp chứng nhận quản lý rừng FSC-FM. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên khu vực phía Bắc đủ điều kiện cấp chứng nhận. Nhờ đó, các sản phẩm từ gỗ của công ty tiêu thụ khá ổn định đi các nước Châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2021, chứng nhận đã hết hạn nhưng công ty chưa đăng kí cấp lại.

Huyện Bảo Yên có hơn 54 nghìn hecta rừng. Trong đó diện tích rừng trồng cây quế chiếm trên 40%. Giá trị kinh tế của cây trồng này chủ yếu đến từ việc bán vỏ, lá quế. Trong khi điều kiện để cấp chứng chỉ theo tiêu chí hiện nay thì dựa vào tính hiệu quả của thân gỗ.

Toàn tỉnh Lào Cai có trên 380 nghìn hecta rừng nhưng đặc điểm rừng ở Lào Cai chủ yếu trồng quế và hướng đến xây dựng chứng nhận quế hữu cơ. Diện tích rừng trồng các cây lâm nghiệp khác còn manh mún, nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để cấp chứng nhận FSC-FM

Nâng cao hiệu quả quản lý rừng thông qua cấp chứng chỉ rừng mang lại những hiệu quả lâu dài và bền vững trong sản xuất, phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, đối với địa bàn vùng cao, việc triển khai nội dung này vẫn còn nhiều “nút thắt” vẫn cần tháo gỡ.

Xin mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Vũ Thắng