Tác động từ việc Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước New START

Tổng thống Nga Putin đã trình lên Hạ viện Nga dự luật đình chỉ New START, hiệp ước kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ, ngay sau khi ông tuyên bố về hành động này trong thông điệp liên bang. Việc Nga đình chỉ hiệp ước New START được dự đoán sẽ đưa mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

BƯỚC ĐI BẤT NGỜ

Đáng chú ý, trong Thông điệp Liên bang lần này, Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom nên “sẵn sàng thực hiện các vụ thử hạt nhân nếu cần thiết”.

CĂNG THẲNG GIA TĂNG

Hiệp ước New START được ký kết tại Praha, Cộng hòa Séc vào năm 2010, có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để vận chuyển chúng.

Theo các chuyên gia, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn. Nga và Mỹ nắm giữ khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới, đủ để hủy diệt hành tinh.

New START là hiệp ước kiểm soát hạt nhân duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ, với điều kiện hai bên thanh sát tình trạng của đối phương để đảm bảo tuân thủ thỏa thuận. Tháng 8 năm ngoái, Nga thông báo cho Mỹ quyết định đình chỉ hoạt động này, với lý do Washington đã cố gắng tiến hành thanh sát không báo trước với Moskva và cố tạo ra "lợi thế đơn phương" cho mình.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế của New START, nhưng việc đình chỉ hiệp ước này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ khó giám sát việc tuân thủ hiệp ước hơn. Một điều quan trọng nữa là phương thức đối thoại quan trọng giữa Nga và Mỹ đã bị cắt đứt.

Nhận định về khả năng quay trở lại hiệp ước New START của Nga, các chuyên gia cho rằng, điều này có thể xảy ra, với điều kiện quan hệ chính trị tổng thể thay đổi và bởi trên thực tế, hiệp ước New START vẫn tồn tại. Tuy nhiên, con đường hàn gắn niềm tin giữa Nga và Mỹ là không hề dễ dàng. 

Kim Ngọc