Sửa nội quy kỳ họp: Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ

Sáng 17/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Cần phải bổ sung quyền linh hoạt cho Chủ toạ, người điều hành phiên họp; quy định rõ vấn đề về tranh luận, chất vấn, chất vấn lại tại phiên họp toàn thể là những nội dung được nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Các đại biểu đề nghị, Chủ toạ, người điều hành phiên họp cần thiết phải có 3 quyền chủ yếu là: Quyền linh hoạt điều chỉnh thời gian, quyền cho dừng phát biểu và quyền thay đổi thứ tự phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Linh hoạt ngắn dài thì dài có nghĩa là thêm vài ba câu, nhưng cũng không thể vài phút được đó là cái tranh luận, còn giải trình có thể dài hơn. Thứ 2 là quyền cho dừng phát biểu chất vấn khi không thấy đúng nội dung, hoặc có biểu hiện không đảm bảo tôn nghiêm Quốc hội. Thứ 3 là thay đổi thứ tự phát biểu theo hướng ưu tiên các đoàn chưa được phát biểu”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, vai trò chủ toạ, người điều hành được thể hiện rất rõ. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cụ thể hoá hơn các tiêu chí mà Hiến pháp và luật đã có quy định. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quyền linh hoạt điều hành là rất cần thiết, đảm bảo cho một Quốc hội có “sức sống”, tăng tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ, pháp quyền, thích ứng với diễn biến thực tế.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nên chăng phải tính cả trường hợp trong quy chế để xin phép dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và quyền linh hoạt cho Quốc hội. Chúng ta phải thực hiện phương châm Quốc hội làm hết việc chứ không phải hết giờ. Thực tế khóa XIII, XIV một số phiên đã kéo dài rồi, nếu đại biểu Quốc hội đồng ý là bây giờ là nhiều đại biểu như thế nên cho kéo dài thời gian của phiên họp ra, không phải 5 giờ chiều kết thúc mà có thể 5 giờ 30, 6 giờ, thậm chí 7 giờ mới là đổi mới, coi đây là một giải pháp rất mới. Chúng ta mở rộng quyền của đại biểu là chỗ này”.

Tại phiên họp, các ý kiến cũng đề nghị cần phải làm rõ hơn nội hàm giữa tranh luận và chất vấn, để tránh sự lẫn lộn, đảm bảo quyền cho đại biểu. Các đại biểu đề nghị, tranh luận trong chất vấn không nên chỉ quy định ở phạm vi là người chất vấn mới được quyền tranh luận mà bao gồm cả các đại biểu quốc hội.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục: “Chúng tôi cho rằng ý kiến chất vấn đấy không phải của riêng đại biểu đó. Một là do một đại biểu nói ra và có thể đại diện cho nhiều đại biểu để chất vấn vấn đề đó, thành ra ta không nên bỏ quyền tranh luận của các đại biểu mà không trực tiếp được đặt câu hỏi chất vấn. Còn chất vấn lại là chỉ khi anh quên không trả lời chất vấn câu đó hoặc anh chưa làm rõ ý kiến đó thì người ta chất vấn lại để đề nghị anh làm cho rõ hơn. Nhưng tranh luận là khi người ta không đồng tình với nội dung trả lời chất vấn thì người ta có quyền tranh luận lại với người trả lời chất vấn là tôi không đồng tình với trả lời chất vấn đó. Tôi nghĩ nguyên tắc này cần được làm rõ, chúng ta xử lý theo hướng để đảm bảo quyền cho đại biểu Quốc hội”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, quyền tranh luận trong chất vấn là quyền của các đại biểu, đây là điều cần phải được được khẳng định. Về thời gian tranh luận, từ thực tiễn kiểm nghiệm cho thấy quy định không quá 2 phút như dự thảo là phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Không nên quy định anh chất vấn thì anh mới được tranh luận lại, nhưng phải nói rõ không tranh luận giữa các đại biểu với nhau trong quá trình chất vấn. Để đảm bảo công bằng, đại biểu chất vấn thì ưu tiên có tranh luận lại trước. Giữa anh chất vấn và anh không không chất vấn mà đều có nhu cầu tranh luận thì phải ưu tiên anh chất vấn tranh luận trước và cần phải có quy định thêm là các đại biểu không được phép lạm dụng quyền tranh luận để hỏi vấn đề khác, phát biểu về vấn đề khác, tôi thấy việc này có nhiều trong thảo luận và chất vấn”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, giao Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo chỉ đạo, tiếp thu đầy đủ. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) để báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 9/2022.

Dương Dung