SEA Games và chuyện muôn thuở về những chiếc vé được "thổi giá" gấp nhiều lần

Ngày 13/5, Đội tuyển U23 Việt Nam đã giành thắng lợi tối thiểu 1-0 trước U23 Myanmar, người hâm mộ đã có những giây phút cuồng nhiệt cùng đội tuyển nhưng để có được trọn vẹn cảm giác đó, nhiều người đã phải ngậm ngùi mua những chiếc vé với giá cao hơn nhiều lần quy định, tương đương với nửa hoặc cả tháng lương lao động.

Trước trận đấu, hàng vạn cổ động viên đã có mặt tại sân vận động Việt Trì với mong muốn vào sân cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam. Đây cũng là lúc mà đội ngũ bán vé hoạt động sôi nổi nhất. Những tập vé dày cộp được thu mua trước đó rồi quay ngược lại bán cho người hâm mộ với giá cao ngất ngưởng. Cao điểm, những cặp giá ở khán đài có vị trí không đắc địa như khán đài C, D, đã có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/cặp.

Những cổ động viên may mắn được tặng hoặc mua vé từ trước với giá của ban tổ chức gần như không quan tâm đến việc những chiếc vé đã được thổi giá lên cao. 

Anh NGUYỄN VĂN LỰC, tỉnh Lào Cai: “Cái này mình được mua hộ, họ tặng mình thôi nên mình không quan tâm lắm.”

Anh QUẢN ĐỨC THỊNH, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: “Đúng giá, em đứng xếp hàng mà, xếp hàng mua từ hôm mở bán ý."

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy, với những cổ động viên đến sân mua vé trực tiếp từ đội ngũ phe vé, cò vé thì cái giá phải trả cho tình yêu với đội tuyển là khá chát.

Chị TRẦN THỊ MỸ LINH, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: “Tôi mua vé với giá 2,5tr/cặp, giá khá cao nhưng vì mình là con Phú Thọ và tình yêu đội tuyển nên vẫn đi cổ vũ. Chỉ cần đặt chân đến sân vận động là người ta đã vẫy gọi mình với các mức giá khác nhau.”

Câu chuyện về những chiếc vé tại SEA Games không mới nhưng để dẹp được vấn nạn này lại không dễ. Lợi dụng tình yêu với đội tuyển bóng đá nam những cò vé, phe vé hoạt động công khai đã khiến cho nhiều cổ động viên phải vào sân với cái giá cao bất thường.

Tùng Dương