Sẽ có chính sách mới quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Sáng 10/1, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội tổ chức Toạ đàm lấy ý kiến chuyên gia về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh chủ trì buổi làm việc.

Theo Báo cáo tổng kết Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2021, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 33% tổng tài sản. Số liệu cho thấy nguồn lực Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp rất lớn, do đó, việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực này là rất quan trọng.

Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ban hành năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện luật và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hay việc đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt. Một số quy định liên quan đến quản trị tại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư trực tiếp còn bất cập... Do đó, cần thiết phải cần thiết phải sửa đổi căn bản, toàn diện Luật này.

Theo Bộ tài chính, dự kiến có 6 nội dung của Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung như chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, chính sách đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chính sách về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn và chính sách về quản trị doanh nghiệp.

 

Thanh Nga -

Nhật Huy