Quyền bầu cử, ứng cử của phụ nữ Việt Nam

Cách đây 78 năm, thắng lợi của cuộc “Tổng tuyển cử” - cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6/1/1946 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của đất nước. Ngay sau khi giành được độc lập, trong sắc lệnh về Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đã nêu rõ, “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và người trí óc không bình thường”, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, phụ nữ đã phải trải qua các cuộc đấu tranh lâu dài để giành được quyền bầu cử. Nhân kỷ niệm ngày tổng tuyển cử đầu tiên, chúng tôi muốn mời quý vị cùng nhìn lại điểm tiến bộ này của Việt Nam.

Nguyên tắc bầu cử bình đẳng không phân biệt nam nữ được quy định ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, có ý nghĩa, giá trị tiến bộ và nhân văn sâu sắc. Điều này đã nâng cao địa vị người phụ nữ và sánh vai cùng phụ nữ các nước có nền bầu cử pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ đương thời.

Tại Mỹ, cách mạng Mỹ thành công và chính phủ Hợp chủng quốc Hoa kỳ tuyên bố độc lập từ năm 1776. Quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ được đưa ra lần đầu từ năm 1848, tuy nhiên đến năm 1920 khi bổ sung sửa đổi Hiến pháp lần thứ 19 của Mỹ, phụ nữ mới được trao quyền bầu cử. Tương tự ở Anh, quyền bầu cử của phụ nữ bắt đầu có từ năm 1928. Thực dân Pháp thì phải mất 150 năm sau kể từ cách mạng Tư sản pháp, đến năm 1945 phụ nữ mới được hưởng quyền bầu cử và thậm chí Thụy Sỹ phải mãi đến năm 1971 phụ nữ mới được hưởng quyền này.

Cho đến hiện nay, nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, nhưng vẫn còn có một số nước ngăn cấm hoặc hạn chế quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ.

Còn ở Việt Nam, ngay từ kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên, phụ nữ đã được quyền bình đẳng như nam giới trong cả ứng cử và bầu cử. Và đặc biệt, trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa năm 1946, tại Điều 9 đã quy định "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện".

Báo Cứu Quốc số 401 ngày 10/11/1946 có đăng lời phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 2, Quốc hội khóa I của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới, phụ nữ Việt Nam được đứng chung ngang hàng với đàn ông để được hưởng mọi quyền tự do của 1 công dân".

Tư tưởng bình quyền giữa nam và nữ thể hiện trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và được quy định trong bản Hiến pháp năm 1946 chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Phan Xanh -

Hồng Dũng -

Cao Hoàng