Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, sáng nay 27/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết chính thức thông qua Luật căn cước. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Với 431/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 87,25%, Quốc hội đã thông qua Luật căn cước.

Sau khi đổi tên luật, tên thẻ căn cước công dân cũng đổi thành thẻ căn cước, trong đó bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ, bổ sung quy định thu thập mống mắt để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Thay vì chỉ cấp căn cước cho công dân trên 14 tuổi như luật hiện hành, luật vừa được thông qua quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi.

Luật Căn cước cũng cho phép người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước. Đồng thời không mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước đối với toàn bộ người không quốc tịch. Về tính bảo mật của thẻ căn cước điện tử gắn chip, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước. 

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 1 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam