Quảng Ngãi: Phục hồi và bảo tồn "lá chắn xanh" Bàu Cá Cái

Khôi phục rừng ngập mặn ven biển bị suy kiệt là vấn đề được nhiều địa phương có biển quan tâm. Tại Quảng Ngãi, trong suốt hơn 10 năm nỗ lực phục hồi lại khu rừng ngập mặn Bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn thì địa phương này đã phủ lại màu xanh cho cả trăm hecta diện tích rừng ngập mặn từng trơ trọi một thời.

Cóc trắng và Đước liên tục được trồng mới ở rừng ngập mặn Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Khu rừng này trước đây bị suy kiệt nghiêm trọng nhưng giờ đã phủ xanh với gần 100 hecta rừng nhờ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh thông qua chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tài trợ. Giá trị về ứng phó với biến đổi khí hậu, và bảo tồn và phát triển hệ sinh thái quanh rừng được định hình và mang lại nhiều lợi ích.

Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái được xanh hoá cũng hình thành một điểm du lịch. Các dịch vụ đã hình thành và cộng đồng cư dân quanh rừng đang đồng quản lý, khai thác đã bắt đầu có thu nhập từ du lịch.

Phục hồi và bảo tồn thành công rừng ngập mặn Bàu Cá Cái là nỗ lực góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm phát thải khí Carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết với quốc tế.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì việc khôi phục từng vạt rừng ngập mặn vùng ven biển được coi là cấp bách, góp phần lớn chống xâm thực, xói lở, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái ven biển, tạo sinh kế cho người dân được hưởng lợi từ rừng./.  

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Minh Huy