• 3820 lượt xem
  • 20:30 24/07/2022
  • Kinh tế

Quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước mỗi nơi một kiểu, có nơi không giống ai: Biết nhưng vẫn phải đợi Nghị định

Qua rà soát tổng hợp 31/63 địa phương có quỹ nhà, đất, giao cho các tổ chức kinh doanh nhà, Bộ Tài chính cho biết do chưa có quy định thống nhất nên việc xác định chủ thể giao quản lý, sử dụng, khai thác quỹ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước còn có sự khác nhau giữa các địa phương, nên việc quản lý tài sản công chưa phát huy hiệu quả.

Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định trình Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất, giao cho các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại quản lý quỹ nhà chuyên dùng hiện nay. 

Hà Nội là 1 trong 5 địa phương trong cả nước có khối lượng tài sản công là nhà, đất lớn trong cả nước, tuy nhiên qua giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà đất thuộc sở hữu thành phố thì việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng tồn tại nhiều hạn chế do yếu tố lịch sử và không có hồ sơ, cơ sở dữ liệu lưu trữ. Việc giao trách nhiệm quản lý nhà chuyên dùng cho các công ty quản lý nhà, nhưng lại không giao vốn nên không hiệu quả, lãng phí và thất thu ngân sách do nợ nghĩa vụ tài chính.

Ông HÀ MINH HẢI, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội: “Hiện nay, nội dung này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ đề nghị  Chính phủ ban hành Nghị định. Bộ Tài chính cũng đã có trao đổi và yêu cầu là trong thời gian chờ thì thực hiện theo quy định hiện hành. Chúng ta phải nhận diện vấn đề này và phải rất quyết liệt.” 

Bà PHÙNG THỊ HỒNG HÀ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Hà Nội: “Liên quan đến công ty TNHH nhà nước một thành viên để quản lý tài sản rất lớn nhưng chúng ta ra một mô hình chẳng giống ai cả. Doanh nghiệp thì không hẳn là doanh nghiệp. Đơn vị sự nghiệp cũng không ra đơn vị sự nghiệp. Nếu chúng ta thấy không phù hợp thì chúng ta phải có biện pháp để điều tiết mô hình cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay."

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính nhận thấy việc hình thành quỹ nhà chuyên dùng qua nhiều giai đoạn lịch sử, giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà, nhưng phạm vi, quyền hạn và phương thức quản lý củả tổ chức này đến đâu thì không có sự thống nhất giữa các địa phương. Đơn cử như Hà Nội việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng được giao cho 2 doanh nghiệp với 100% vốn nhà nước quản lý. Nhưng Thành phố Hồ Chí Minh lại quản lý theo mô hình tập chung  giao 1 đầu mối về trung tâm quản lý và giám định xây dựng, thuôc sở xây dựng để vận hành quản lý. Với việc không đồng nhất một mô hình quản lý giưã các địa phương và thiếu hành lang pháp lý cần thiết, nên vẫn xảy ra thất thoát lãng phí

Ông NGUYỄN TÂN THỊNH, Cục trưởng, Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính: Để đảm bảo thống nhất cơ chế trong quản lý sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà này thì Bộ Tài chính đã đề xuất báo cáo với Thủ tướng xây dựng một nghị định để quy định chi tiết hơn các nội dung liên quan đến quản lý sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước Khi đó sẽ xác định quỹ nhà nào tiếp tục giữ, quỹ nhà nào phải xử lý theo các quy định của pháp luật có liên quan. Nếu giữ lại thì sẽ giao cho đối tượng nào quản lý gắn với cơ chế sử dụng và khai thác đối với từng loại hình tổ chức đó.”

Dự kiến Nghị định này sẽ điều chỉnh việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất (không bao gồm nhà ở, đất ở) giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý. Nghị định sẽ quy định cụ thể về chức năng quản lý, hình thức quản lý, hạch toán, theo dõi, bao trì, sửa chữa tài sản, xử lý nhà, đất, quản lý và sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác nhà. 

Hải Yến