Quản lý các kênh xấu độc trên mạng xã hội: Chỉ dùng biện pháp ngăn chặn, xử phạt có đủ?

Lập danh sách đen/trắng là một trong những nỗ lực của đơn vị quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các kênh thông tin xấu độc, những nội dung phản cảm tràn lan trên mạng xã hội và cũng ngăn ngừa việc các đối tượng này trục lợi từ sự nổi tiếng bất chấp ấy. Tuy nhiên, việc ban hành các danh sách như vậy cũng đặt ra nhiều trăn trở.

Theo Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, việc quản lý các danh sách đen những kênh thông tin vi phạm pháp luật là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc lập “white list” hay còn được hiểu là danh sách các kênh quảng cáo sạch thì có phần bất cập.

Bên cạnh đó, sự chuyển biến rất nhanh của các nội dung trên mạng dễ dẫn đến tình trạng nay trắng mai đen. Nếu cơ quan quản lý không theo dõi, cập nhật kịp thời có thể để lại hậu quả khôn lường. Trong khi đó, việc chỉ quản lý các nội dung đen như hiện nay còn đang có phần lúng túng, chưa thể theo kịp thực tế.

Ngăn chặn nội dung xấu độc cũng là một trong những nội dung chất vấn tại kì họp thứ 4 vừa qua. Nhiều giải pháp được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tăng sức đề kháng của người dùng mạng xã hội thay vì chỉ chạy theo ngăn chặn, xử phạt.

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15 cũng ghi nhận tăng sức đề kháng của người dùng trên mạng xã hội như một giải pháp phòng ngừa thông tin xấu độc từ sớm. Đây là một trong những giải pháp cần sự tập trung đồng bộ để làm. Và có lẽ thay vì chạy theo quản lý những danh sách dễ biến động, đơn vị quản lý nhà nước nên hướng đến các giải pháp căn cơ hơn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Văn Thắng