Phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho sự phát triển

Sáng 21/02, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2021, nhấn mạnh Chính phủ và doanh nghiệp luôn đồng cam cộng khổ. Với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, nhiều đề xuất đã được đưa ra để giúp Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Theo Bộ Kế hoach và Đầu tư điều này có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.”

Với 3 phiên thảo luận, các đại biểu tham dự nêu rõ Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn như mức độ tăng trưởng, năng suất bị tác động, sự đứt gãy của chuỗi giá trị, cung ứng, biến đổi khí hậu,…và cần có những thay đổi chiến lược trong tương lai, nâng quy mô doanh nghiệp FDI, tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với nước ngoài tham gia chuỗi cung ứng.

Ông PHẠM TẤN CÔNG - Chủ tịch VCCI: "Việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trách nhiệm trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế.

Bà AMY N. LUINSTRA - Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC: "Việt Nam cần đổi mới hướng tới những thách thức cần giải quyết, thúc đẩy số hóa liên ngành, nâng cao năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách lao động có tay nghề thấp để nâng cao kỹ năng cho người lao động; thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững; Chúng tôi tin tưởng rằng, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy khả năng chống chịu, đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, bao trùm hơn và khẳng định, IFC sẽ hỗ trợ VN thực hiện các mục tiêu đề ra.”

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH: "Thực tế chúng tôi trong năm 2021 cũng như là trong suốt cả quá trình xây dựng và phát triển đất nước thì chúng tôi thấy vai trò của Nhân dân là rất quan trọng. Bên cạnh đề cao vai trò của Nhân dân rất quan trọng thì chúng tôi xác định rất rõ là lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm, hay là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu,là động lực cho sự phát triển.

Thủ tướng cũng khẳng định, năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, tạo đà để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược đến năm 2030. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau 24 năm, VBF đã tổ chức phiên kỹ thuật nhằm có nhiều thời gian hơn để thảo luận về các vấn đề của kinh tế Việt Nam.

Lê Hương