Phòng, chống bạo lực gia đình: Biện pháp cấm tiếp xúc chưa một lần được áp dụng

Cấm tiếp xúc là biện pháp ngăn chặn đã được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và qua hơn 10 năm thi hành đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc. Tuy nhiên đây vẫn là biện pháp ngăn chặn cần thiết. Làm sao để đảm bảo tính khả thi cao cho việc áp dụng biện pháp này là nội dung được quan tâm tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Theo quy định tại Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Tòa án chỉ ra quyết định cấm tiếp xúc khi có đơn yêu cầu của nạn nhận bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc trong trường hợp cơ quan, tổ chức có đơn yêu cầu có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết nạn nhân bị bạo lực gia đình thường cam chịu và vì xấu hổ nên họ không dám làm đơn yêu cầu Tòa án để tự bảo vệ mình. Cũng vì thế việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình” cho đến nay chưa được Tòa án nào áp dụng. 

Bà NGUYỄN THANH CẦM - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Thực tế tại các địa phương, khi có đơn hay có yêu cầu là khó khăn nhất đối với nạn nhân của bạo lực gia đình mà hiện nay đa phần vẫn là phụ nữ. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu đừng để nạn nhân bạo lực gặp khó khăn hơn hay tổn thương hơn trong tìm kiếm sự an toàn.”

Theo đại diện Tòa án nhân dân, thực tiễn đặt ra đối với những trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình đang là bị can, bị cáo tại ngoại trong vụ án hình sự thì nguy cơ tái diễn bạo lực gia đình là không thể tránh khỏi. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người tố giác bạo lực gia đình, người làm chứng, người bị bạo lực gia đình và người thân thích của họ, thì các cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án hình sự liên quan đến người bị bạo lực gia đình phải tiến hành đồng thời quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho đến khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ. 

Ths. KHUẤT THỊ THU HIỀN - Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao: “Ngoài biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự, cần bổ sung thêm một khoản quy định về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra của công an nhân dân, cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân…ra quyết định biện pháp hạn chế tiếp xúc đối với người báo tin, tố giác bạo lực gia đình, người làm chứng, người bị bạo lực gia đình, người thân thích của người báo tin bạo lực gia đình….để nâng cao tính khả thi của luật.”

Để đảm bảo tính khả thi của biện pháp “cấm tiếp xúc”, các ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn các quy định liên quan đến: thời gian quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; quy định về người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc; giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc; tính khả thi và việc thực hiện quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức các biện pháp bảo vệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình.

Như Thảo