Phát triển thị trường carbon cần đảm bảo lợi ích quốc gia

Thị trường carbon hay còn gọi là định giá carbon được xem là công cụ bảo vệ môi trường, dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Cùng với xu hướng phát triển xanh và thực hiện các cam kết Quốc tế, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, đặt mục tiêu đến năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch carbon chính thức. Sáng 8/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp với các bộ ngành liên quan để hoàn thiện đề án phát triển thị trường carbon.

Đề án được giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, đưa ra 3 định hướng cụ thể. Thứ nhất, chủ động phát triển thị trường carbon trong nước phù hợp với đặc thù của VN. Thứ hai, đảm bảo thị trường carbon trong nước hoạt động công bằng, minh bạch. Thứ ba, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường carbon, hướng  phát triển xanh và bền vững.

Đề án đặt ra 3 giai đoạn: từ năm 2023 – 2024 hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các điều kiện đảm bảo; từ năm 2025 – 2027 vận hành thí điểm, hoàn thiện các văn bản pháp luật; từ năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước.

Thị trường giao dịch carbon dự kiến trao đổi 2 loại hàng hóa: hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được hiểu như giới hạn phát thải của các đối tượng; được quy định bởi Chính phủ. Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ, được phép chuyển đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Vấn đề trao đổi tín chỉ như thế nào vẫn đang là vấn đề phức tạp, chưa thống nhất quan điểm trên thị trường quốc tế. Với đề án hiện tại, nhiều đại biểu cho rằng mới chỉ đề cập đến mô hình quản lý, chưa làm rõ được phương thức trao đổi.

Về các khoảng trống mà đề án chưa quy định chi tiết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, cần quy định rõ đơn vị nào sở hữu tín chỉ carbon thu được từ trồng rừng, hay việc trao đổi hạn ngạch phát thải giữa các nước với nhau như thế nào.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xin ý kiến các bộ ngành liên quan, cùng với các góp ý tại cuộc họp hôm nay và tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế để chỉnh sửa đề án, trình lại Chính phủ trong 1 tháng  tới. 

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh -

Minh Công